Tối ngày 20/1, Tổng cục Hải quan đưa ra thông tin mới nhất liên quan đến hoạt động nhập khẩu của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Tổng cục Hải quan cho biết, Phan Quốc Việt là Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (mã số thuế 0304851147) với 5 chi nhánh.
Phan Quốc Việt cũng đứng tên giám đốc trên 11 công ty khác, nhưng chỉ có Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ y tế, nhập khẩu chất thử thí nghiệm dùng trong thủy sản, mồi phản ứng PCR, phụ kiện dùng trong phòng thí nghiệm...
Hai mặt hàng nhập khẩu chính của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á trong 5 năm, từ 2017-2021, gồm: “Bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2” và “nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm”.
Từ tháng 9 đến tháng 12/2021, Công ty Việt Á nhập khẩu que thử test
nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 mang tên Colloidal Gold từ Trung Quốc với số lượng 3 triệu test, giá khai báo tương ứng khoảng 21,56 nghìn đồng/test, tổng trị giá là 64,68 tỷ đồng.
Đối với bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2, Tổng cục Hải quan cho biết, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, Công ty nhập khẩu sản phẩm chủng loại: Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold), mới 100% từ Trung Quốc với số lượng 3 triệu test, giá khai báo 0,955 USD/test, tương ứng khoảng 21.560 đồng/test, tổng trị giá là 64,68 tỷ đồng.
Được biết, bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện RNA của virus corona (SARS-CoV-2) LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR (phát hiện vùng gen N đặc trưng của virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real RT-PCR trên các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp) do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất có giá 470.000 đồng/test.
Về nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm, Việt Á nhập từ nhiều quốc gia khác nhau.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong 5 năm qua, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á có tổng kim ngạch nhập khẩu 286 tỷ đồng.
Trong đó, que test nhanh thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm là 162 tỷ đồng, gồm 64,68 tỷ đồng que thử thành phẩm, 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm và 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó, nhập khẩu 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra 7 công ty có liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á bao gồm: Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Kỹ thuật - Technimex, Công ty Cổ phần vật tư khoa học Biomedic, Công ty Cổ phần kỹ thuật và sinh học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH thiết bị khoa học Lan Oanh, Công ty TNHH thương mại Việt Hoàng Long, Công ty TNHH thiết bị khoa học sinh hóa Vina, Công ty Cổ phần công nghệ TBR.
Liên quan đến diễn biến mới nhất về sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19, như VnEconomy đưa tin, ngày 15/2, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Vũ Phong, Giám đốc Công ty Nam Phong và Trương Thị Bảo Trân, nhân viên Phòng Vật tư Bệnh viện Thủ Đức) về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”. Kể từ khi vụ Việt Á bị phát lộ, hàng loạt quan chức liên quan bị bắt tạm giam.
Công ty Việt Á cung ứng kit xét nghiệm cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Công ty Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng, số tiền “hoa hồng” cho các “đối tác” gần 800 tỷ đồng.