Ngày 1/11, tại hội nghị thượng đỉnh COP26 diễn ra tại Glasgow, Scotland, Vương Quốc Anh, các quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ nhận được sự quan tâm lớn. Cả thế giới đều hướng về cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia này.
Tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết đưa quốc gia này đạt trạng thái phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2070 – chậm hơn 2 thập kỷ so với mục tiêu thiết lập bởi các nhà tổ chức COP26 và nước chủ nhà Anh.
Ông Modi cho biết Ấn Độ có 5 cam kết liên quan tới khí hậu, bao gồm việc đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng trong nước bằng năng lượng tái tạo vào năm 2030.
“Vào năm 2070, Ấn Độ sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070”, ông Modi tuyên bố trong bài phát biểu tại hội nghị. Quốc gia này hiện là nước phát thải carbon lớn thứ 3 thế giới.
“Ấn Độ hiện chiếm 17% dân số thế giới và 5% phát thải carbon”, ông Modi nói và cho biết nước này đã truyền tải được tinh thần của các cam kết trong Hiệp định Paris.
Hội nghị COP26, bị hoãn một năm do đại dịch Covid-19, diễn ra 6 năm sau khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết với sự tham gia của gần 200 nước, trong đó theo đuổi mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp và nếu không đạt mục tiêu này thì cũng không vượt quá 2 độ C.
Trong khi đó, qua thông cáo gửi tới COP26, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các quốc gia “hành động mạnh mẽ hơn” để ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Tôi hy vọng tất cả các quốc gia sẽ hành động mạnh mẽ hơn để cùng nhau ứng phó với thách thức khí hậu và bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta”, hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn thông cáo của ông Tập Cận Bình cho biết.
Không trực tiếp tham dự hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để hành động mạnh mẽ hơn nữa. Theo giới quan sát, thông cáo của ông Tập Cận Bình không đưa ra bất kỳ cam kết mới nào về biến đổi khí hậu.
Trung Quốc cam kết lượng phát thải CO2 sẽ đạt mức cao nhất trước năm 2030, sau đó giảm dần và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2060.
Thông cáo của nhà lãnh đạo Trung Quốc được đưa ra sau những chỉ trích mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G20 của các nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra vào cuối tuần trước. Tại họp báo sau hội nghị của G20, ông Biden nói rằng Nga và Trung Quốc “về cơ bản không xuất hiện trong bất kỳ cam kết nào để ứng phó với biến đổi khí hậu”. Cùng với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không trực tiếp tham dự COP26.
Trong tuyên bố gửi tới COP26, ông Tập cũng cho biết Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, xây dựng các nhà máy điện gió và điện mặt trời. Ông cũng khẳng định Trung Quốc sẽ “kiềm chế sự phát triển phi lý của các dự án sử dụng nhiều năng lượng và phát thải cao” và triển khai các kế hoạch cho những lĩnh vực bao gồm than, năng lượng, xây dựng và giao thông. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thời điểm thực hiện các kế hoạch này.
Trung Quốc hiện là nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, vượt qua lượng phát thải khí nhà kính của Mỹ và các nước phát triển trên thế giới cộng lại.
Ông Tập trước đó cho biết Trung Quốc sẽ “kiểm soát nghiêm ngặt các dự án điện than”, tuy nhiên nước này vẫn đang tiếp tục xây dựng các nhà máy sử dụng than. Ngân hàng Bank of China thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc vấp phải chỉ trích nặng nề khi tài trợ cho các dự án sử dụng than ở nước ngoài với mức đầu tư lên tới 35 tỷ USD từ năm 2015.
Trung Quốc đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng với tình trạng cắt điện luân phiên tại nhiều vùng trên cả nước. Do đó, nhiều nhà phân tích cho rằng nước này có thể sẽ tăng đáng kể việc nhập khẩu than trong ngắn hạn để giải quyết khủng hoảng.
Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ. Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.