Năm 2021, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (HOSE:CTD) lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 17.413 tỷ đồng, tăng 20% thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 340 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%.
Kế hoạch này được xây dựng dựa trên dự báo tăng trưởng kinh tế tăng trưởng 5,6 - 5,8%, dịch bệnh được kiểm soát tốt kéo theo nhu cầu về nhà ở, cao ốc văn phòng, bất động sản nghỉ dưỡng... tăng trưởng trở lại. Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công làm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, ngành xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi. Trong dài hạn, nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu đô thị.
Trước đó, ban lãnh đạo đứng đầu là đại diện Kusto công bố kế hoạch cho năm 2021 với doanh thu 1 tỷ USD doanh thu (tương đương 23.052 tỷ đồng) và 5% lợi nhuận gộp. Như vậy, chỉ tiêu tới thấp hơn đáng kể so với mục tiêu ban đầu.
Trao đổi tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021 tổ chức ngày 26/4, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cho biết: Trong quý đầu tiên của năm 2021, tình hình kinh tế xã hội nói chung và ngành xây dựng nói riêng vẫn chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Không những vậy, ban lãnh đạo mới cũng đối mặt với nhiều thông tin “khủng hoảng” sau khi đội ngũ cũ đồng loạt ra đi theo ông Nguyễn Bá Dương cùng những cáo buộc nhóm Kusto. Những thông tin này gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh Coteccons.
Điều ảnh ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý 1 của Công ty. Cụ thể, kết thúc quý 1/2021, doanh thu hợp nhất đạt 2.568 tỷ đồng, 14,7% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 54,5 tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch cả năm. Cũng trong quý 1/2021, Công ty đã ký được 10 hợp đồng mới, trong đó có 7 hợp đồng của Coteccons và 3 hợp đồng từ Unicons. Tổng giá trị hợp đồng khoảng 2.500 tỷ đồng.
Ngoài kế hoạch kinh doanh, năm nay Coteccons sẽ mở rộng sang nhiều ngành nghề khác ngoài xây dựng. Theo đó, Coteccons sẽ bổ sung một số ngành nghề như xây dựng công trình điện, viễn thông liên lạc, khai khoáng và năng lượng tái tạo.
Theo đại diện của Công ty, ngành năng lượng tái tạo tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Theo đó, Coteccons có điều chỉnh linh hoạt chiến lược 5 năm, bước chân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Cổ đông cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu ESOP theo 2 phương án. Nếu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt như kế hoạch, tỷ lệ phát hành là 1%/lượng cổ phiếu lưu hành, tương đương 742.836 cổ phiếu. Còn nếu doanh thu và lợi nhuận đều vượt kế hoạch thì tỷ lệ phát hành sẽ do Hội đồng Quản trị đề xuất, đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Giá phát hành ESOP không thấp hơn 10.000 đồng/CP và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022.
Ngoài ra, cổ đông cũng thông qua nghị quyết điều chỉnh nội dung phát hành trái phiếu ra công chúng, tăng từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng do cần vốn lớn khi mở rộng sang lĩnh vực hạ tầng, EPC. Trái phiếu được chào bán không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm bằng tài sản.
Đại hội cũng thông qua việc bầu bổ sung 3 thành viên Hội đồng Quản trị và 1 thành viên Ban kiểm soát, nâng số thành viên Hội đồng Quản trị dự kiến lên 8 người. Trong đó, 3 ứng cử viên mới là ông Tống Văn Nga, ông Trịnh Ngọc Hiến và bà Trịnh Quỳnh Giao.
Hội đồng Quản trị Coteccons hiện đang có 4 thành viên, gồm ông Bolat Duisenov, Chủ tịch và 4 thành viên gồm ông Talgat Turumbayev, ông Tan Chin Tiong, ông Yerkin Tatishev và Herwig Guido H.Van Hove. Các thành viên này hầu hết đều là người của The8th hoặc Kusto Group.
Trong ban điều hành, Coteccons bổ sung 4 phó tổng giám đốc, bao gồm, ông Chris Senekki, ông Phan Hữu Duy Quốc, ông Nguyễn Ngọc Lân và ông Võ Hoàng Lâm. Còn vị trí Tổng giám đốc đến nay vẫn “khuyết”.
Tham vọng của Ban điều hành mới của Coteccons là hướng đến doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2025. “Đây là con số thử thách, nhưng tự tin thực hiện được nhờ chuẩn bị bài bản và đa dạng hoá hoạt động kinh doanh”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons, ông Ông Bolat Duisenov, tự tin nói.