Phân tích mới nhất tại báo cáo Covid-19 và thế giới việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố cho thấy, đại dịch Covid-19 đã gây nên thiệt hại khổng lồ về thời giờ làm việc và thu nhập. Nếu thiếu các chính sách phục hồi lấy con người làm trung tâm giúp sớm cải thiện tình hình, thì triển vọng phục hồi trong năm 2021 sẽ chậm, không đồng đều và không chắc chắn.
THU NHẬP TỪ LAO ĐỘNG TRÊN TOÀN CẦU GIẢM 8,3%
Số liệu cả năm ước tính một lần nữa khẳng định những tác động nghiêm trọng mà thị trường lao động phải gánh chịu trong năm 2020. Số liệu mới nhất cho thấy thời giờ làm việc toàn cầu đã sụt giảm 8,8% trong năm vừa qua (so với quý 4/2019), tương đương với 255 triệu việc làm toàn thời gian.
Con số này gấp khoảng 4 lần mức độ tổn thất về thời giờ làm việc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Mức độ sụt giảm về thời giờ làm việc này bao gồm cả số giờ làm việc bị giảm của những người vẫn có việc làm và những trường hợp bị mất việc. Riêng mức độ mất việc làm đã ở mức "chưa từng có tiền lệ", với 114 triệu người.
Đáng lưu ý là, 71% số việc làm bị mất này (tương đương 81 triệu người) là người lao động không còn tham gia hoạt động kinh tế, thay vì thất nghiệp. Điều này có nghĩa là người lao động rời bỏ thị trường lao động do họ không thể làm việc, có thể là do các biện pháp kiểm soát đại dịch hay chỉ đơn giản là ngừng tìm việc.
Vì vậy, nếu chỉ xét đến chỉ số mức độ thất nghiệp thì chúng ta không thể đánh giá đầy đủ được tác động khủng khiếp mà Covid-19 gây nên đối với thị trường lao động.
Những thiệt hại vô cùng lớn này khiến thu nhập từ lao động trên toàn cầu giảm 8,3% (trước khi có các biện pháp hỗ trợ), tương đương với 3,7 nghìn tỷ USD hay 4,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Những gián đoạn thị trường lao động do đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề hơn tới phụ nữ so với nam giới. Tỷ lệ mất việc làm của phụ nữ trên toàn cầu là 5% trong khi con số này ở nam giới là 3,9%.
Lao động trẻ cũng bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, hoặc mất việc, rời bỏ lực lượng lao động hay trì hoãn tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ mất việc của thanh niên (những người trong độ tuổi từ 15-24) là 8,7%, trong khi tỷ lệ mất việc của người trưởng thành là 3,7%. Báo cáo nhận định, tình trạng này "nêu bật nguy cơ hiện hữu của việc mất đi một thế hệ".
Báo cáo cho thấy tác động không đồng đều của đại dịch đến các lĩnh vực kinh tế, khu vực địa lý và các lĩnh vực khác nhau trên thị trường lao động.
Dịch vụ lưu trú và ăn uống là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với số lượng việc làm giảm trung bình hơn 20%, tiếp đến là lĩnh vực bán lẻ và sản xuất. Ngược lại, việc làm trong lĩnh vực thông tin truyền thông, tài chính và bảo hiểm lại tăng trong quý 2 và quý 3/2020. Việc làm trong các lĩnh vực khai thác mỏ, khai khoáng và dịch vụ tiện ích cũng tăng nhẹ.
BA KỊCH BẢN PHỤC HỒI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Mặc dù vẫn còn nhiều bất ổn, những số liệu dự báo năm 2021 mới nhất cho thấy hầu hết các nước sẽ phục hồi tương đối mạnh trong nửa cuối năm khi các chương trình tiêm phòng vaccine bắt đầu được triển khai.
Báo cáo cũng đặt ra ba kịch bản phục hồi: cơ sở, tiêu cực và lạc quan. Kịch bản cơ sở (được xây dựng dựa trên dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ tháng 10/2020) ước tính mức sụt giảm thời giờ làm việc trên toàn cầu năm 2021 là 3% (so với quý 4/ 2019), tương đương vơi 90 triệu việc làm toàn thời gian.
Kịch bản tiêu cực giả định tiến độ triển khai vaccine chậm, do vậy, thời giờ làm việc sẽ giảm 4,6%. Trong khi đó kịch bản lạc quan dự báo mức sụt giảm thời giờ làm việc chỉ là 1,3%. Điều này phụ thuộc vào việc đại dịch sẽ được kiểm soát và mức độ tín nhiệm, lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng lên.
"Dù là kịch bản nào thì mức sụt giảm về thời giờ làm việc ở châu Mỹ, châu Âu và Trung Á sẽ luôn cao khoảng gấp đôi so với các khu vực khác", báo cáo của ILO nhấn mạnh.
Báo cáo cũng đưa ra một số những khuyến nghị chính sách cho công cuộc phục hồi. Trước hết là tiếp tục duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2021 và các năm tiếp theo, bao gồm các chính sách kích thích tài khóa khi phù hợp và các biện pháp hỗ trợ thu nhập và thúc đẩy đầu tư.
Các biện pháp có tính mục tiêu hướng đến phụ nữ, thanh niên và người lao động có tay nghề thấp và được trả lương thấp và các nhóm dân số khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Đồng thời, hỗ trợ quốc tế cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, là các nước có nguồn tài chính hạn hẹp hơn để triển khai vaccine và thúc đẩy phục hồi kinh tế và việc làm.
Bên cạnh đó là chú trọng hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đồng thời tạo việc làm trong các lĩnh vực đang phát triển mạnh.
"Những dấu hiệu phục hồi này là rất đáng mừng nhưng cũng mong manh và rất không chắc chắn. Chúng ta phải nhớ rằng không một nước nào hay một nhóm đơn lẻ nào có thể đơn phương hồi phục sau đại dịch," ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO nhận định.
Theo Tổng giám đốc ILO, chúng ta đang đứng trước ngã ba đường, một con đường dẫn đến sự phục hồi không đồng đều với bất bình đẳng và bất ổn gia tăng và một viễn cảnh phải chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng hơn nữa.
"Con đường kia lại chú trọng đến công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm để trở lại tốt hơn, ưu tiên việc làm, thu nhập và an sinh xã hội, quyền của người lao động và đối thoại xã hội. Nếu chúng ta muốn phục hồi lâu dài, bền vững và bao trùm, đây chính là con đường mà các nhà hoạch định chính sách phải cam kết đi theo", Tổng giám đốc ILO nhấn mạnh.