Có lẽ nguyên một năm qua, cụm từ “Covid 19” đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý khi đại dịch này bùng nổ đã kéo theo những thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế. Hầu như tất cả các ngành kinh tế mũi ngọn đang trong đà trượt dốc kéo dài và điển hình khi bị thiệt hại trực tiếp và sớm nhất đó là ngành dịch vụ. Các chuỗi khách sạn đóng cửa, các điểm du lịch không đón khách và các chuỗi nhà hàng ngành F&B cũng đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề.
Chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới, các doanh nghiệp trong ngành F&B đã đúc kết từ những chính sách sai lầm, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với Covid-19 vừa qua, và chọn ra 5 xu hướng phát triển chính hậu đại dịch.
GIAO HÀNG TẬN NƠI
Xuất phát từ hệ quả của chính sách giãn cách xã hội trong thời gian dài, giao hàng tận nơi sẽ là một trong những xu hướng “dẫn đầu” ngành hàng F&B trong thời gian tới. Kết quả báo cáo mới nhất của Q&Me về thói quen và hành vi khách hàng cho thấy có đến 75% người tiêu dùng Việt đã sử dụng dịch vụ giao thức ăn, trong đó, 24% người dùng mới làm quen với hình thức này lần đầu tiên do Covid-19.
Tính đến tháng 5/2020, nhu cầu sử dụng loại hình giao thực phẩm tận nhà đã tăng 70%. Trong các ứng dụng giao hàng đang hoạt động hiện nay, GrabFood là cái tên phổ biến nhất (chiếm 79%).
Vì vậy, các mô hình quán ăn/nhà hàng đều đang thay đổi để thích nghi với xu hướng này. Vốn tập trung vào trải nghiệm ăn uống, không gian ẩm thực và câu chuyện thương hiệu, những thương hiệu F&B giờ đây buộc phải mở rộng ra mảng giao thức ăn tận nhà. Trong tình hình dịch bệnh, vấn đề khách hàng quan tâm là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm và đóng gói và sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian.
ẨM THỰC TẠI GIA
Theo các khảo sát được tổng hợp, do giãn cách xã hội được thực thi nghiêm ngặt trên toàn thế giới trong suốt mùa dịch, rất nhiều người tiêu dùng sẽ chọn ở nhà thường xuyên hơn ngay cả khi tình hình đã khả quan. Ngoài ra, dù chính sách cách ly kết thúc, các thương hiệu F&B vẫn sẽ không được phép hoạt động với công suất hơn 30%, do đó sẽ ngày càng có nhiều thương hiệu F & B cung cấp các trải nghiệm “tại gia”.
Xu hướng này trước đó đã được vận hành tại một số thị trường và được dự đoán sẽ ngày càng phổ biến. Hầu hết các thương hiệu F&B sẽ cung cấp dịch vụ ăn uống riêng tư với tùy chọn “nấu ăn tại chỗ” và sẽ phục vụ cho nhóm từ 8 đến 20 người có nhu cầu trải nghiệm ẩm thực cao cấp ngay tại nhà sau đại dịch.
THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ PHÂN PHỐI ĐA KÊNH
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian dài nên người tiêu dùng đã quen dần với xu hướng tiêu dùng online. Các loại hình thanh toán trực tuyến như ví điện tử Momo, ShopeePay, QR code,… ngay trên các thiết bị di động vừa tạo được sự thuận tiện cho khách hàng, vừa đảm bảo an toàn về yêu cầu giãn cách trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, xu hướng phân phối đa kênh đã được dự đoán là sẽ trở nên phổ biến và trở thành xu hướng mạnh mẽ trong việc duy trì và phát triển ngành F&B. Phân phối đa kênh sẽ giúp khách hàng dễ dàng đặt hàng ở mọi lúc, mọi nơi từ các kênh cơ bản như website, ứng dụng của quán, hay các ứng dụng giao đồ ăn phổ biến hiện nay như Baemin, Grab Food, GoFood, ShopeeFood,… Một nhà hàng, một quán café,… đều có thể có nhiều kênh phân phối khác nhau. Điều này càng làm tăng sự thuận tiện trong quá trình tương tác và khiến trải nghiệm của khách hàng trở nên phong phú hơn.
THỰC PHẨM CHAY VÀ TỐT CHO SỨC KHỎE
Một trong những xu hướng phát triển mới của ngành F&B nổi bật gần đây là kinh doanh các sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc từ tự nhiên. Xu hướng này được phát triển mạnh mẽ hơn trước bởi dưới tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng đang ngày càng nâng cao ý thức về sức khỏe bản thân.
Ngoài ra, số người theo đuổi chế độ ăn chay tại Mỹ đã tăng 600% trong vòng 3 năm qua, trong khi đó, con số này tại Anh là 350% (trong vòng 10 năm). Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ thịt đã giảm 50% sau khi chính phủ nước này kêu gọi người dân chuyển sang ăn chay. Vì vậy, từ cuối 2019 – đầu 2020, nhiều thương hiệu F&B đã đưa vào phục vụ các thực đơn thuần chay hoặc lành mạnh với nguồn gốc từ nông trại hữu cơ.
SẢN PHẨM BÁN THÀNH PHẨM
Sau giãn cách thì “cuộc chơi” của những thương hiệu F&B ở mức giá trung bình và trung bình thấp sẽ hấp dẫn và thú vị nhất. Trong đó, xu hướng kinh doanh theo mô hình bán bán thành phẩm sẽ là một xu hướng khá tiềm năng mà các chủ đầu tư có thể phát triển. Tức là những nguyên liệu đã được sơ chế và chuẩn bị trước, để sau đó khách hàng có thể tự hoàn thiện bữa ăn của mình tại nhà.
Bởi sau rất nhiều tháng ở nhà, người tiêu dùng giờ đây đã sẵn sàng về tinh thần, đã hiểu rõ sự khác biệt giữa các dòng sản phẩm tươi, sản phẩm bán thành phẩm, sản phẩm đông lạnh, cũng như tự rèn luyện cho bản thân một thói quen nấu nướng đủ tốt để sẵn sàng cho những sản phẩm bán thành phẩm đa dạng, thú vị và đặc sắc hơn. Từ những bữa ăn Trung Hoa, một bữa đồ Ý thịnh soạn, hay một cốc capucchino thơm lừng,… bất cứ món nào mà thị trường chưa cung cấp được dưới hình thức bán thành phẩm đều sẽ có cơ hội phát triển cực kỳ mạnh mẽ.