August 20, 2021 | 08:30 GMT+7

Covid gây thâm hụt kép, đe doạ tỷ giá đồng Baht Thái Lan

An Huy -

Thái Lan đối mặt khả năng rơi vào tình trạng thâm hụt kép hiếm gặp trong năm nay, vừa thâm hụt cán cân vãng lai vừa thâm hụt ngân sách...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Thái Lan đối mặt khả năng rơi vào tình trạng thâm hụt kép hiếm gặp trong năm nay, vừa thâm hụt cán cân vãng lai vừa thâm hụt ngân sách, do mất hàng tỷ USD doanh thu của ngành du lịch trong đại dịch Covid-19. Đồng Baht vốn dĩ đã “tơi tả” của nước này vì thế có thể mất giá sâu hơn.

Hãng tin Bloomberg cho hay, nền kinh tế lớn thứ nhì khu vực Đông Nam Á có thể thâm hụt cán cân vãng lai 10,3 tỷ USD, tương đương 2% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm nay. Đây sẽ là lần đầu tiên Thái Lan thâm hụt cán cân vãng lai kể từ năm 2013 - theo Hội đồng Kinh tế và phát triển Quốc gia Thái Lan (NEDC).

Thâm hụt cán cân vãng lai hiếm gặp của Thái Lan có thể xảy ra trong năm 2021. Đơn vị: tỷ USD.
Thâm hụt cán cân vãng lai hiếm gặp của Thái Lan có thể xảy ra trong năm 2021. Đơn vị: tỷ USD.

Thêm vào đó, ngân sách chính phủ Thái Lan được dự báo sẽ thâm hụt 10% GDP trong tài khoá kết thúc vào cuối tháng 9/2021.

Hai thâm hụt này sẽ là một “cú đấm kép” đối với tỷ giá đồng Baht. Từng là đồng tiền tăng giá mạnh nhất ở châu Á trong năm 2019-2020, đồng Baht mất giá chóng mặt trong năm nay khi Covid khiến nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn vào du lịch của Thái Lan chìm sâu vào suy thoái.

Thái Lan đang ở trong đợt bùng dịch tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, buộc Chính phủ phải áp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, đồng nghĩa với hy sinh các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế.

Với số ca nhiễm mới hàng ngày liên tục trên ngưỡng 20.000 ca từ đầu tháng tới nay, cơ hội phục hồi của kinh tế Thái Lan trong năm nay gần như không còn. Nước này cũng phải gác lại kế hoạch mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài - lực lượng mang về hơn 60 tỷ USD mỗi năm cho kinh tế Thái Lan trước đại dịch.

“Triển vọng tăng trưởng yếu của Thái Lan, nhất là bởi nước này phụ thuộc nhiều vào du lịch, đã gây tâm lý bi quan về đồng Baht”, chiến lược gia ngoại hối Dhiraj Nim thuộc ngân hàng ANZ nhận định. “Thặng dư cán cân vãng lai thường thấy của Thái Lan đã chuyển thành thâm hụt trong những tháng gần đây, khiến sự hỗ trợ dành cho đồng Baht suy giảm”.

Đồng Baht đã mất giá 10,3% trong năm nay và đang ở gần mức thấp nhất trong 3 năm, theo đó trên đà hoàn tất năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2000, theo dữ liệu của Bloomberg. Đồng tiền này có thể trượt giá sâu hơn và tiếp tục biến động trong thời gian tới do các yếu tố trong nước, theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Thái Lan.

Diễn biến tỷ giá giữa đồng Baht và USD từ năm 2019 đến nay. Đơn vị: Baht/USD.
Diễn biến tỷ giá giữa đồng Baht và USD từ năm 2019 đến nay. Đơn vị: Baht/USD.

Triển vọng tăng trưởng xấu đi và tình hình dịch bệnh căng thẳng đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn ròng 3,34 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Thái Lan từ đầu năm tới nay, gây thêm sức ép lên đồng Baht.

Giới phân tích đang lo ngại Thái Lan thậm chí sẽ không đạt được mức tăng trưởng GDP dự báo 0,7% trong năm nay. Cách đây ít ngày, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput kêu gọi Chính phủ chi tiêu thêm 1 nghìn tỷ Baht để hấp thụ bớt cú sốc mà Covid gây ra cho nền kinh tế.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế Thái Lan suy giảm năm thứ hai liên tiếp trong năm nay và sự phục hồi từ đại dịch sẽ đầy gập ghềnh. Ngân hàng Nomura cho rằng thâm hụt cán cân vãng lai của Thái Lan sẽ kéo dài tới nhất nhất quý 2/2022. Cả hai tổ chức dự báo này đều nhận định Ngân hàng Trung ương Thái Lan sẽ phải cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 9.

Nomura dự báo tỷ giá Baht sẽ giảm còn 34 Baht đổi 1 USD trong ngắn hạn, từ mức 33,38 Baht/USD hiện nay.

Cũng theo Nomura, thâm hụt tài khoá của Thái Lan sẽ tăng lên mức 10,1% GDP trong tài khoá kết thúc vào cuối tháng 9 này, từ mức thâm hụt 6,4% của tài khoá trước, do thu ngân sách từ thuế không đạt mục tiêu và Chính phủ Thái Lan phải vay nợ thêm để kích cầu. Trần nợ công so với GDP của Thái Lan có thể được tăng lên mức 70% vào tháng tới để đáp ứng nhu cầu vay nợ nhiều hơn.

Theo chiến lược gia Nim của ANZ, ngoài những rủi ro trên, đồng Baht còn có thể phải đối mặt với biến động thị trường tài chính toàn cầu, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến cần hơn tới cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng. Tuy nhiên, ông Nim cho rằng nếu số ca nhiễm mới Covid ở Thái Lan giảm xuống, tâm lý của nhà đầu tư về đồng Baht có thể được cải thiện.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate