July 05, 2025 | 14:37 GMT+7

CPI bình quân 6 tháng tăng 3,27%, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

Vũ Khuê -

Giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản...

Giá lương thực, thực phẩm tăng tác động làm CPI 6 tháng tăng.
Giá lương thực, thực phẩm tăng tác động làm CPI 6 tháng tăng.

Theo số liệu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2025 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố ngày 5/7/2025, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng trước, chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, đặc biệt là cát, đá, gạch tăng cao bất thường, xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới.

CPI tháng 6/2025 tăng 2,02% so với tháng 12/2024; tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý 2/2025 tăng 3,31% so với quý 2/2024. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,16%.

Trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 6/2025 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó nhóm giao thông tăng mạnh nhất với 1,66%, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 6/2025 so với tháng trước. Nguồn: Cục Thống kê.
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 6/2025 so với tháng trước. Nguồn: Cục Thống kê.

Cụ thể, chỉ số giá dầu diezen tăng 5,37%; xăng tăng 4,12% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo sát diễn biến thị trường thế giới. Thêm vào đó, giá vận tải đường sắt tăng 5,15% do nhu cầu đi lại của khách hàng tăng cao trong dịp hè; dịch vụ giao nhận hành lý và hành lý gửi tăng 0,55%. 

Chỉ số giá tăng thứ hai là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Nhóm này tăng 1,42%, tác động làm tăng CPI chung 0,27 điểm phần trăm. Chủ yếu tăng giá ở một số mặt hàng: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% do giá gạch, cát, đá tăng cao khi nguồn cung khan hiếm, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng và nhu cầu xây dựng cao...

Cũng theo Cục Thống kê, CPI bình quân quý 2/2025 tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,35%; hàng hóa và dịch khác tăng 6,57%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,35%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,60%...

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với bình quân cùng kỳ năm 2024. CPI 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,69%, tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm thịt lợn tăng 12,75% do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,43 điểm phần trăm; chỉ số giá thực phẩm tăng 4,15%.

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,73%, làm CPI chung tăng 1,08 điểm phần trăm do giá nhà ở thuê và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng. Trong đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,51% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân vào ngày 11/10/2024 và ngày 10/5/2025, tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,87%, làm CPI chung tăng 0,75 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.

Theo Cục Thống kê, lạm phát cơ bản quý 2/2025 tăng 3,16%. Yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2025 là chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,63%, góp phần làm CPI chung giảm 0,35 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu giảm 12,56%. Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,45%, tác động làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm, do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2025 tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung. Nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Tính đến ngày 28/6/2025, bình quân giá vàng thế giới ở mức 3.369,73 USD/ounce, tăng 1,93% so với tháng 5/2025. Giá vàng tháng 6/2025 tăng chủ yếu do tác động kết hợp của bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung đông, cùng với lực mua từ ngân hàng Trung ương và các quỹ đầu tư vàng tăng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6/2025 giảm 1,27% so với tháng 5/2025; tăng 48,01% so với cùng kỳ năm trước; tăng 33,54% so với tháng 12/2024; bình quân quý II/2025 tăng 43,62% so với cùng kỳ năm trước; bình quân sáu tháng đầu năm 2025, chỉ số giá vàng tăng 37,4%.

Giá vàng trong nước ngược chiều với xu hướng thế giới do giá vàng trong nước ở mức cao và luôn chênh lệch cao so với giá vàng thế giới, bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng và độc quyền vàng.

Giá đô la Mỹ trong nước biến động ngược chiều với giá thế giới. Tính đến ngày 28/6/2025, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 98,6 điểm, giảm 1,34% so với tháng trước do nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong tháng 7/2025, cùng với lo ngại về khả năng chính sách tiền tệ bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị dẫn đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.

Trong nước, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2025 tăng 0,32% so với tháng trước do nhu cầu ngoại tệ phục vụ thanh toán nhập khẩu tăng; tăng 3,06% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,92% so với tháng 12/2024; bình quân quý II/2025 tăng 2,98%; bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,3%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate