Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 7,04% so với tháng 12 năm trước. Bình quân, CPI năm 2013 đã tăng 6,37% so với năm 2012.
Là tháng cuối năm, trái với kỳ vọng của nhiều người về giá cả thị trường sẽ sôi động hơn, diễn biến giá cả được cơ quan thống kê phản ánh khá trầm lắng. Mặc dù chỉ có duy nhất 1/11 nhóm giảm giá nhưng mức tăng của 10 nhóm còn lại không đáng kể, không phản ánh sự sôi động của thị trường cuối năm như mọi khi.
Có vẻ như không khí chuẩn bị cho các ngày lễ sắp tới như Noel, Tết dương lịch...đang trầm lắng do sức dân đang bị ảnh hưởng nặng nề của suy giảm đà tăng kinh tế thời gian qua.
Xét 11 nhóm hàng tính chỉ số, duy nhất nhóm giao thông giảm giá so tháng trước ở mức 0,23% do ảnh hưởng của việc giảm giá xăng dầu ngày 11/11/2013 vừa qua. Việc điều chỉnh xăng dầu ngày 17/12/2013 vừa qua không ảnh hưởng đến CPI tháng này.
Ở chiều ngược lại, giá gas tiếp tục là tác nhân chính khiến chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất ở mức 2,5% so với tháng trước.
Theo giải thích của các công ty gas, giá gas nhập khẩu tăng liên tục trong thời gian qua khiến họ phải điều chỉnh giá bán lẻ trong nước tăng từ 70 nghìn đồng - 80 nghìn đồng/ bình 12kg tương đương mức tăng 6.500 đồng/kg. Mức tăng kỷ lục này đã khiến chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất trong tháng.
Một điểm đáng chú ý là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Chỉ số giám nhóm này tăng ở mức 0,03% so tháng trước trong đó lương thực tăng 1,68%, thực phẩm giảm 0,34% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11% so tháng trước.
Sau khi tăng mạnh mẽ (2,17%) vào tháng trước, giá lương thực tiếp đà tăng trong tháng này tuy mức độ có giảm hơn.
Theo khảo sát ở một số chợ, hiện giá gạo tẻ thường Khang Dân dao động ở mức 12 -13 nghìn đồng/ kg, gạo Xi dẻo dao động ở mức 13 nghìn-14 nghìn đồng/ kg, gạo tám Hải Hậu dao động từ 20 - 21nghìn đồng /kg.
Giá thực phẩm trên thị trường đang có xu hướng giảm dần. Từ mức tăng nhẹ 0,18% vào tháng trước, tháng này giá thực phẩm đã đi xuống do nguồn cung trên thị trường ổn định, đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. Việc mở rộng các điểm phân phối, bình ổn giá của trên thị trường cũng khiến giá cả ổn định, thuận tiện cho tiêu dùng của người dân.
Ở diễn biến khác, thời tiết chuyển dần sang đông là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm may mặc và mũ nón tăng 0,7% so tháng trước trong đó chủ yếu là do tăng giá các loại quần áo mùa đông.
Các nhóm hàng còn lại khác biến động không nhiều, dưới 0,3% trong đó nhóm bưu chính viễn thông không đổi so với tháng trước.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá chung là vàng và đô la Mỹ tiếp tiếp diễn biến trái chiều khi giảm 4,38% và tăng 0,02% so tháng trước.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate