Trở lại thời điểm tháng 4/2007, khi đang diễn ra cơn sốt giá hàng hóa cơ bản kỷ lục trên toàn cầu, Phó giám đốc điều hành của tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom, ông Alexander Medvedev, rất “mạnh miệng”.
Khi đó, ông Medvedev nói rằng, “đế chế” khí đốt Gazprom “có cơ” trở thành công ty lớn nhất thế giới, đồng thời đưa ra dự báo rằng, giá trị vốn hóa của tập đoàn này sẽ tăng gấp 4 lần lên mức 1.000 tỷ USD sau 7-10 năm.
Năm nay là năm 2014, tức là đúng 7 năm sau khi dự báo trên được đưa ra, giá trị vốn hóa của Gazprom chỉ còn 90 tỷ USD, tức là “hụt” 910 tỷ USD so với con số dự báo.
Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, trong 7 năm qua, không một công ty nào trong số 5.000 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới lại có cú sụt giảm giá trị “kinh hoàng” như Gazprom, với con số “bốc hơi” 154 tỷ USD, trở thành biểu tượng cho những thách thức lớn mà nền kinh tế Nga đang phải đối đầu.
Với vai trò là trụ cột của nền kinh tế Nga, Gazprom phải gánh các khoản chi tiêu ngày càng lớn cho các dự án “khủng”, từ các công trình cho Thế vận hội Sochi cho tới các dự án ở vùng Siberia. Bởi vậy, không có gì là khó hiểu khi giá cổ phiếu của Gazprom đã có 3 năm liên tiếp lao dốc với tốc độ chóng mặt.
“Gazprom là một ‘nhà vô địch’ về mất mát giá trị vốn hóa”, ông Ian Hague, nhà sáng lập công ty quản lý quỹ đầu tư Firebird Management ở New York, nhận định với Bloomberg. “Không chỉ Gazprom thất bại trong mục tiêu tăng giá trị vốn hóa. Nga đã không thể tạo ra được một môi trường mà ở đó các công ty quốc doanh nên hoạt động như những doanh nghiệp do các cổ đông nắm giữ”.
Phát ngôn viên của Gazprom ở Moscow, ông Sergei Kupriyanov, nói rằng, dự báo mức vốn hóa 1.000 tỷ USD của Gazprom được đưa ra trong một bối cảnh khác, khi giới chức của công ty này cho rằng giá dầu thế giới sẽ còn tiếp tục tăng. Ông Kupriyanov cũng nói rằng, các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga sau vụ sáp nhập Crimea hồi tháng 3 cũng góp phần không nhỏ khiến giá cổ phiếu của Gazprom xuống dốc, kéo rộng khoảng cách về giá trị vốn hóa giữa công ty này với các đối thủ toàn cầu khác.
Giá chứng chỉ lưu ký của Gazprom tại thị trường chứng khoán Mỹ từ đầu năm đến nay đã giảm 12%. Giá dầu tại thị trường London hiện ở mức khoảng 106 USD/thùng, từ mức hơn 68 USD/thùng vào thời điểm ngày 6/4/2007 khi ông Medvedev đưa ra dự báo về giá trị vốn hóa “nghìn tỷ đô” của Gazprom.
Trong vòng 7 năm qua, chỉ số Micex của thị trường chứng khoán Nga giảm 19%, so với mức tăng 8,2% của chỉ số MSCI các thị trường mới nổi và mức tăng 10% của chỉ số MSCI các thị trường phát triển.
Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) nói rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine làm gia tăng khả năng kinh tế Nga rơi vào suy thoái trong năm nay. Năm ngoái, kinh tế Nga chỉ tăng trưởng 1,3%, mức thấp nhất trong 4 năm. Hôm 2/3, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullinasaid dự báo, nền kinh tế nước này có thể chỉ tăng chưa đầy 1% trong năm nay.
Tổng thống Putin đã tăng cường vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế kể từ khi lên cầm quyền vào năm 1999.
Năm 2004, tập đoàn dầu lửa quốc doanh OAO Rosneft của Nga tiếp quản công ty Yukos Oil, nhà sản xuất dầu thô lớn nhất ở nước này khi đó, sau khi Chính phủ Nga bỏ tù nhà sáng lập Yukos là tỷ phú Mikhail Khodorkovsky. Năm ngoái, Rosneft mua lại TNK-BP, một liên doanh dầu khí của hãng BP tại Nga, với giá 55 tỷ USD.
“Đây là vấn đề đối với bất kỳ một công ty quốc doanh nào của Nga”, nhà quản lý quỹ Oleg Popov thuộc công ty Allianz Investments ở Moscow nhận định. “Gazprom có sự tham gia tích cực vào chính sách đối ngoại của chính phủ và các dự án xã hội. Ở đó, Gazprom phải gánh vác các chi phí thay cho Chính phủ, từ đó giảm bớt gánh nặng cho ngân sách công”.
Theo số liệu mới nhất, lợi nhuận của Gazprom trong 9 tháng đầu năm ngoái tính theo chuẩn kế toán Nga là 467 tỷ Rúp, tương đương 13 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Còn theo chuẩn quốc tế, lợi nhuận của tập đoàn này trong 9 tháng đầu năm 2013 tăng 4%, đạt 859 tỷ Rúp.
Với số tiền 3 tỷ USD mà Gazprom phải chi cho Thế vận hội Sochi, cùng với hàng tỷ USD khác phải đầu tư cho các đường ống dẫn khí đốt mới sang châu Âu không đi qua Ukraine, tập đoàn này nói rằng không còn đủ tiền mặt. Chính phủ Nga hiện không cho phép Gazprom thay đổi giá bán khí đốt trong nước, và thậm chí còn tăng thuế đánh vào tập đoàn này. Trong khi đó, Ukraine đã quá hạn trả nợ tiền mua khí đốt của Gazprom, với số nợ lên tới hơn 2 tỷ USD.
Ông William Browder, nhà sáng lập công ty quản lý quỹ Hermitage Capital Management, nói rằng, Gazprom “không được quản lý như một thực tế tối đa hóa lợi nhuận, mà để phục vụ cho các mục đích chính trị”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate