“Làn sóng dịch bệnh mới khiến Indonesia, Thái Lan phải siết chặt biện pháp hạn chế, còn Malaysia phải gia hạn thực hiện các biện pháp này”, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết trong báo cáo công bố ngày 15/7. “Trong khi đó, tại Philippines, tình hình dịch bệnh khiến nước này khó có thể nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong năm nay”.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs nhận định, đợt bùng dịch mới và việc thắt chặt các biện pháp hạn chế có thể “tác động nghiêm trọng hơn” tới tăng trưởng của các nước này trong nửa cuối năm 2021 so với dự báo trước đó.
Theo đó, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Indonesia xuống còn 3,4% từ mức dự báo 5% trước đó. Tăng trưởng dự báo của Malaysia và Philippines lần lượt giảm từ 6,2% và 5,8% xuống còn 4,9% và 4,4%. Singapore và Thái Lan được dự báo tăng trưởng lần lượt 6,8% và 1,4%, giảm từ mức dự báo 7,1% và 2,1% trước đó.
Vài tuần gần đây, số ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan tăng kỷ lục do biến chủng Delta nguy hiểm hơn và dễ lây lan hơn. Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng nhanh trong khi tốc độ tiêm vaccine lại diễn ra chậm chạp. Ngoại trừ Singapore, các nước Đông Nam Á đang tụt hậu đáng kể so với những quốc gia như Anh, Mỹ trong tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Theo dữ liệu từ cổng dữ liệu trực tuyến Our World in Data, Singapore hiện là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng tại các nước còn lại ở Đông Nam Á diễn ra chậm hơn nhiều. Đến nay, Malaysia mới chỉ tiêm vaccine đầy đủ cho 12,4% dân số. Tỷ lệ này tại Indonesia là 5,7%. Trong khi đó, tại Thái Lan và Philippines, chưa tới 5% dân số được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ.
Sau khi thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội do bùng dịch hồi đầu tháng 5, từ tháng trước, Singapore đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự báo Malaysia có thể nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong quý 4 năm nay, còn các nền kinh tế khác ở Đông Nam Á chỉ có thể làm vậy vào nửa đầu năm 2022.
“Tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh mẽ sẽ giúp các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại như Singapore và Malaysia được hưởng lợi nhiều nhất. Malaysia, hiện là nước xuất khẩu ròng, cũng có thể được hưởng lợi từ việc giá hàng hóa tăng cao”, các nhà kinh tế của Goldman Sachs nhận định. “Trong khi đó, do phụ thuộc nhiều hơn vào các lĩnh vực như du lịch, ít bị ảnh hưởng bởi thương mại toàn cầu và có vùng đệm chính sách hạn chế, Indonesia và Thái Lan sẽ tăng trưởng chậm hơn, còn Philippines phục hồi chậm hơn so với các dự báo trước đó của chúng tôi”.