February 21, 2022 | 23:31 GMT+7

Cửa khẩu Lạng Sơn lại báo động "đỏ", 4 kiến nghị từ Trung Quốc đang triển khai thế nào?

Ánh Tuyết -

Hơn 5.300 phương tiện đang "ùn ứ" tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. 4 kiến nghị từ phía Trung Quốc đang được Việt Nam thực thi nhưng tình trạng tắc nghẽn cửa khẩu vẫn chưa thể xử lý dứt điểm...

Hơn 5.300 phương tiện đang "ùn ứ" tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn,  nhiều nhất tại cửa khẩu Cốc Nam, Hữu Nghị và ga Đồng Đăng.
Hơn 5.300 phương tiện đang "ùn ứ" tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, nhiều nhất tại cửa khẩu Cốc Nam, Hữu Nghị và ga Đồng Đăng.

Trong thông tin phát đi chiều ngày 21/2, Tổng cục Hải quan bày tỏ mối lo khi tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn chưa giải quyết được dứt điểm và có chiều hướng gia tăng trong những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực từ “Bản đồ mật độ phương tiện” trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tối cùng ngày, tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, lượng phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu ở mức báo động đỏ, lên tới trên 5.300 xe.

Lượng phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn ở mức báo động đỏ.
Lượng phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn ở mức báo động đỏ.

“Các cửa khẩu biên giới Trung Quốc chưa bố trí được phương tiện vận tải và công nhân bốc xếp dẫn đến nhiều cửa khẩu, điểm thông quan hàng hóa chỉ hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động được”, Tổng cục Hải quan lưu ý.

LẬP "VÙNG XANH" KHU VỰC CỬA KHẨU, GIẢI TOẢ ÙN Ứ

Hiện Hải quan Việt Nam đang nỗ lực cùng Hải quan Trung Quốc để tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thông quan nhanh nhất cho doanh nghiệp.

Cập nhật tình hình thực hiện 4 kiến nghị của Trung Quốc tại cuộc hội đàm “hai nước bốn bên lần thứ 7” giữa Cục Hải quan 3 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh với Hải quan Nam Ninh, Trung Quốc, được tổ chức vào cuối tháng 12/2021, Tổng cục Hải quan cho hay, thứ nhất, phía Trung Quốc kiến nghị Việt Nam làm tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các bộ, ngành và các tỉnh biên giới Việt Nam hiện đang nghiên cứu để xây dựng "vùng xanh" ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hoà với phía Trung Quốc.

Do mỗi địa phương của Trung Quốc có quy trình tiêu chuẩn phòng chống dịch khác nhau, nên để đảm bảo việc xây dựng quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với từng địa phương của Trung Quốc, Bộ Tài chính có công văn số 930 ngày 27/01/2022 gửi Bộ Y tế và giao Cục Hải quan các tỉnh biên giới nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan có liên quan để xây dựng “vùng xanh” ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thứ hai, kiến nghị “phía Việt Nam sớm ký kết Hiệp định kiểm dịch các loại hoa quả với Trung Quốc để giảm tỷ lệ kiểm hóa, nâng cao hiệu suất thông quan” thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, ngày 28/01/2022, Tổng cục Hải quan có công văn số 364/TCHQ-GSQL đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, trao đổi với cơ quan có liên quan của Trung Quốc để sớm ký kết Hiệp định kiểm dịch các loại hoa quả với Trung Quốc.

HÀNG HOÁ THÔNG QUAN NHỎ GIỌT

Thời gian qua, tình trạng ùn tắc kéo dài gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cả hai nước khi nhu cầu xuất nhập khẩu trước và sau dịp Tết Nguyên đán tăng cao trong khi hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu không thông quan được buộc phải quay đầu về nội địa bán tháo hoặc đổ bỏ do hàng hóa bị hư hỏng.

Vì vậy, phía Trung Quốc đưa ra kiến nghị thứ ba là “Việt Nam phân luồng hàng hóa, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng đến những cửa khẩu chưa bị ùn tắc để xuất khẩu”.

Theo đó, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành, cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thông quan, điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu.

Đồng thời, tuyên truyền thông báo rộng rãi để cộng đồng doanh nghiệp biết điều chỉnh cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa và điều tiết lượng hàng hóa lên các cửa khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay số lượng cửa khẩu có hoạt động xuất nhập khẩu trên tuyến biên giới phía Bắc rất hạn chế.

 

Cụ thể, trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam – Trung Quốc mở 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới.

Dù vậy, trước tết Nguyên Đán chỉ có 11 cửa khẩu, lối mở hoạt động. Sau Tết Nguyên Đán chỉ có 9 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động.

Bên cạnh đó, "việc thông quan tại các cửa khẩu này cũng gặp nhiều khó khăn khi hàng hóa qua lại cửa khẩu với tình trạng nhỏ giọt do Trung Quốc áp dụng chính sách phòng chống dịch chặt chẽ và không bố trí được phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp", Tổng cục Hải quan nêu thực tế.

Để thúc đẩy thuận lợi hóa thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai bên, cơ quan hải quan Trung Quốc cần nghiên cứu thực hiện việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu có đủ lực lượng chức năng, đặc biệt là các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới.

Thứ tư, phía Trung Quốc kiến nghị Việt Nam mở rộng bến bãi, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, kỹ thuật tại khu vực cửa khẩu.

Tổng cục Hải quan cho rằng, đây là biện pháp lâu dài các tỉnh biên giới sẽ nghiên cứu, quy hoạch và báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai.

Tuy nhiên, trước mắt, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đang có chiều hướng gia tăng tại các cửa khẩu biên giới.

"Để xử lý dứt điểm thì cần sự phối hợp của các địa phương phía Trung Quốc trong việc tạo điều kiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, triển khai các giải pháp thúc đẩy thông quan, thống nhất biện pháp giao nhận hàng hóa", Tổng cục Hải quan nêu giải pháp.

Đồng thời, bố trí đủ phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp và thống nhất các điều kiện, quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch tại các khu vực cửa khẩu để triển khai “vùng đệm”, “vùng xanh” tại khu vực cửa khẩu biên giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate