July 10, 2023 | 11:00 GMT+7

“Cửa sáng”cho thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam

Lưu Hà -

Mặc dù Việt Nam chưa thể cạnh tranh với các thị trường sang trọng lâu đời như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng quỹ đạo tăng trưởng đầy hứa hẹn cho thấy nước ta có tiềm năng gia nhập hàng ngũ các điểm đến mua sắm hàng đầu châu Á trong tương lai gần...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số lượng người siêu giàu (UHNWI) tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2022, theo báo cáo mới nhất của Knight Frank ghi nhận. Cuối năm ngoái con số cá nhân có tài sản ròng trên 30 triệu USD (hơn 700 tỷ đồng) đã lên đến 1.059, dự báo đến năm 2027 con số này sẽ gần chạm mốc 1.300, tương đương mức tăng 122% trong vòng 10 năm. Không chỉ vậy, dân số giàu (những cá nhân có tài sản từ 1 triệu USD trở lên) của Việt Nam cũng tăng 70% trong 5 năm qua, dự kiến sẽ tăng vọt 173% chỉ trong 10 năm từ 2017 đến 2027.

MỞ RA MỘT VIỄN CẢNH HOÀN TOÀN KHÁC

Thực tế, sự thay đổi trong nhóm dân số giàu và siêu giàu tại Việt Nam cũng nằm trong xu hướng thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hơn thế, theo Worldometer, Việt Nam còn có dân số tương đối trẻ, với độ tuổi trung bình là 32,5 tuổi và 37,7% dân số ở thành thị. Dân số thành thị trẻ và có học thức chính là “thiên đường” của tiêu dùng.

Điều này đang mở ra cơ hội lớn cho hàng xa xỉ và loạt dịch vụ “sang chảnh” đã sớm gia nhập Việt Nam: từ thời trang, trang sức hàng hiệu đến ô tô, du thuyền và các dịch vụ casino, golf, nhà hàng. Theo dữ liệu từ Statista, ngành công nghiệp xa xỉ của Việt Nam được thiết lập để tăng trưởng đáng kể, với doanh thu dự kiến là 957,2 triệu USD năm 2023 và tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến là 3,23% cho đến năm 2028. 

Do đó, thật dễ hiểu khi các công ty như Dior, Louis Vuitton, Tiffany & Co và Berluti gần đây đã mở cửa hàng tại Việt Nam, trong khi nhiều thương hiệu thời trang châu Âu hợp tác với các công ty bản địa, các nhà phân phối chính của các thương hiệu cao cấp trong nước. 

Bán lẻ trang sức, đồng hồ xa xỉ cũng đã nhập cuộc. Trong thời gian qua, TP.HCM đã chào đón một số cái tên nổi tiếng như: Tiffany & Co tại Union Square, Christian Louboutin tại Rex Hotel hay Rimowa tại Saigon Center… Các thương hiệu như Diptique, Jo Malone, Tory Burch, Lush… đều mở cửa hàng đầu tiên tại khu trung tâm TP.HCM. Trong khi đó, các dự án ở vị trí bán trung tâm như Thiso Mall, Crescent Mall cũng được các nhãn hàng xa xỉ như Tudor & Tag Heuer hay Watches of Switzerland quan tâm và lựa chọn.

Các thương hiệu lớn như Dior, Louis Vuitton, Tiffany & Co và Berluti gần đây đã mở cửa hàng tại Việt Nam. Bán lẻ trang sức, đồng hồ xa xỉ cũng đã nhập cuộc.
Các thương hiệu lớn như Dior, Louis Vuitton, Tiffany & Co và Berluti gần đây đã mở cửa hàng tại Việt Nam. Bán lẻ trang sức, đồng hồ xa xỉ cũng đã nhập cuộc.

Đặc biệt, những năm gần đây, các nghệ sĩ Việt cũng là những gương mặt được các nhà mốt quan tâm, săn đón. Trong năm 2023, nhiều sao Việt hoạt động tích cực trong lĩnh vực thời trang cao cấp - giúp các thương hiệu phải chú ý đến thị trường Việt Nam. Có thể kể đến Sơn Tùng M-TP chính thức trở thành “Friend of House” (Bạn thân thương hiệu) của Gucci. Trước đó, Tóc Tiên tham dự sự kiện ra mắt bộ sưu tập Calvin Klein, ca sỹ Amee được mời tham dự sự kiện The Landmark của hãng trang sức Tiffany & Co ở New York (Mỹ), Châu Bùi và Quỳnh Anh Shyn được ngồi hàng ghế đầu tại Tuần lễ thời trang Milan và Paris 2023...

Từ những dấu hiệu khả quan trên, có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ xuất hiện một Đại sứ Thương hiệu cao cấp đầu tiên trong ít nhất vài năm tới. Điều đó sẽ mở ra một viễn cảnh hoàn toàn khác cho thị trường xa xỉ tại nước ta. Khi nào vị Đại sứ Thương hiệu đầu tiên trong nước xuất hiện, khi đó thị trường có thể đã đạt được sức mua ổn định so với các nước châu Á.

Trước đó, doanh thu trong phân khúc thời trang cao cấp của Thái Lan ở giai đoạn xuất hiện “Bạn thân thương hiệu” và “Đại sứ Thương hiệu” đầu tiên là khoảng 1,10 - 1,35 tỷ USD (2018 - 2019). Do đó, Việt Nam sẽ cần đạt được một lượng tiêu thụ thời trang xa xỉ tương đương trong bối cảnh có mối quan hệ đại sứ thương hiệu đầu tiên, với mức độ tăng trưởng hàng năm đạt từ 4 - 5%. 

Trong báo cáo mới công bố, Công ty dự báo xu hướng tiêu dùng WGSN gọi Việt Nam là thị trường tăng trưởng trọng điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với các thương hiệu và nhà bán lẻ trong năm 2023. Công ty này cho biết Việt Nam đã nổi lên như điểm đến ưa thích của các công ty đa quốc gia vì ít xảy ra tình trạng gián đoạn sản xuất trong thời kỳ đại dịch. Cùng với đó, những cải tiến về cơ sở hạ tầng logistics góp phần thúc đẩy ngành thương mại điện tử của Việt Nam ước đạt giá trị 49 tỷ USD vào năm 2025...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2023 phát hành ngày 10-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

“Cửa sáng”cho thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate