Cục Đường cao tốc Việt Nam vừa công bố danh mục 8 trạm dừng nghỉ thuộc 7 dự án cao tốc Bắc - Nam và mời gọi các nhà đầu tư đăng ký. Đó là trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Phan Thiết - Dầu Giây, mỗi tuyến sẽ xây dựng một cặp trạm dừng nghỉ. Riêng cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có hai cặp trạm. Các đoạn tuyến cao tốc này đã hoặc sắp hoàn thành song đều chưa có trạm dừng nghỉ.
Theo Bộ Giao thông vận tải, vốn thực hiện các dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ đầu tư bằng nguồn xã hội hóa đầu tư bằng 100% vốn của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư.
Phần vốn từ Nhà nước chi trả trong giai đoạn chuẩn bị dự án như giải phòng mặt bằng, chi phí tư vấn, chi phí tổ chức mời thầu. sẽ được nhà đầu tư hoàn trả theo quy định tại Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT ngày 7/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.
Trước đó, theo Quyết định số 938/QĐ-BGTVT ngày 31/7/2023 của Bộ Giao thông vận tải, trên trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có 36 trạm dừng nghỉ, gồm 7 trạm đưa vào khai thác, 2 trạm đang đầu tư xây dựng và 27 trạm chưa đầu tư xây dựng.
Về năng lực và kinh nghiệm để lựa chọn nhà đầu tư, Cục Đường cao tốc Việt Nam nêu rõ nhà đầu tư hoặc thành viên liên danh kinh doanh hoặc khai thác dịch vụ chuyên ngành đường bộ thuộc dự án đang xét đáp ứng một trong các điều kiện sau: có quyết định công bố trạm dừng nghỉ loại 1 đưa vào khai thác; hoặc có quyết định công bố trạm dừng nghỉ loại 2 hoặc 3 hoặc 4 đưa vào khai thác nhưng phải bảo đảm trạm dừng nghỉ có khu kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện và trạm cấp nhiên liệu (có tài liệu chứng minh).
Hoặc kinh doanh, khai thác tối thiểu hai dịch vụ là: xưởng sửa chữa, bảo dưỡng xe cơ giới hoặc trung tâm cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ và trạm cung cấp nhiên liệu xăng, dầu hoặc trạm sạc xe ô tô điện.
Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng công bố điều kiện về năng lực và kinh nghiệm để lựa chọn nhà đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ theo cơ chế chỉ định nếu chỉ có một đơn vị tham gia hoặc đấu thầu nếu có từ hai đơn vị tham gia trở lên. Thời hạn nộp hồ sơ của các nhà đầu tư là đến ngày 11/1/2024.
Đồng thời, có tối thiểu 1 dịch vụ thuộc 3 dịch vụ sau: dịch vụ bến, bãi đỗ xe; dịch vụ ăn uống giải quyết, bán sản phẩm; dịch vụ lưu trú. Đối với các dịch vụ thì tổng thời gian nhà đầu tư hoặc thành viên liên danh kinh doanh dịch vụ tối thiểu 24 tháng trong vòng 10 năm gần đây (kể từ 1/1/2013 đến nay).
Các trạm dừng nghỉ được xây mới và đưa vào vận hành sẽ đảm bảo phục vụ nhu cầu dừng nghỉ của hành khách và phương tiện, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc.
Tại mỗi trạm dừng nghỉ sẽ phải có công trình dịch vụ công (miễn phí) gồm: bãi đỗ xe; không gian nghỉ ngơi; phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin; nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
Công trình dịch vụ thương mại gồm khu ăn uống, giải khát; Khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc xe điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; nơi rửa xe; nhà hàng ăn uống; khu vui chơi, giải trí; khu vui chơi dành riêng cho trẻ em; các công trình phụ trợ; các dịch vụ thiết yếu khác.
Công trình bổ trợ gồm biểu trưng của địa phương hoặc của trạm dừng nghỉ; nơi sản xuất, chế biến đặc sản của địa phương; nơi sinh hoạt cộng đồng (tổ chức hội chợ, hoạt động văn hóa); công trình bổ trợ thuộc hạng mục khuyến khích đầu tư.