Nền kinh tế tăng trưởng âm trong quý 3/2021 và đặc biệt, khoảng 120.000 doanh nghiệp Việt Nam phải tạm dừng hoạt động trong năm 2021, trong đó có cả những doanh nghiệp quy mô lớn, nhưng chứng khoán Việt Nam lên đỉnh ngoạn mục về cả điểm số và thanh khoản. Chốt phiên giao dịch 30/12, VN-Index neo ở mức 1.485 điểm, tăng 30% so với thời điểm đầu năm.
Chỉ số VN-Index, HNX-Index tăng mạnh, nhưng với doanh nghiệp, việc huy động vốn mới vẫn không chút dễ dàng. Mức lãi suất trái phiếu 15%, thậm chí 18% là một thực tế nhiều doanh nghiệp đã trả cho việc gọi vốn năm 2021. Bộ Tài chính đã phải nhiều lần cảnh báo, phía sau đó là những câu chuyện bất bình thường. Thực tế, trên thị trường đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai quy định, lãi suất cao ngất ngưởng.
Bình luận về sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu trong năm vừa qua tại một sự kiện về chứng khoán mới đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho hay, ở góc độ nhà xếp hạng tín nhiệm trung lập, trái phiếu có vai trò rất lớn. Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam khá lớn, khoảng 1,13 triệu tỷ đồng tại 30/11/2021 chiếm 11,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và chiếm khoảng 14,5% GDP năm 2021. Nếu bỏ bank bond thì chiếm khoảng 9% dư nợ tín dụng ngân hàng.
"Do đó, nếu không có kênh trái phiếu tôi tin rằng một số doanh nghiệp lớn đã sụp đổ rồi đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 làm đứt dòng tiền. Cơ quan quản lý đã thanh tra, doanh nghiệp đã được xử lý thì tôi nghĩ rất là tốt. Tôi muốn chia sẻ đó là điều bình thường trong cái bất bình thường. Báo chí nhìn ở góc tiêu cực nhưng tôi nhìn ở góc độ tích cực. Tóm lại không có kênh trái phiếu nhiều doanh nghiệp phá sản mà ngân hàng không làm nổi", Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng lại cho rằng cái bất thường của thị trường tài chính hiện nay chính là trái phiếu. Huy động trái phiếu doanh nghiệp không kiểm soát được, có tình trạng nhiều người chào bán trái phiếu trên Facebook thì đó chính là điều bất thường.
Đồng quan điểm, theo ông Trần Lê Minh, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), thị trường trái phiếu Việt Nam có giai đoạn phát triển nóng 2 năm trở lại đây. Ông Minh cũng cho rằng để thực sự đưa ra hiểu biết cho nhà đầu tư thị trường trái phiếu có lẽ cần một khoảng mất khả năng thanh khoản của một trái phiếu nào đó mà trái phiếu đó đủ lớn để nhận được sự quan tâm của mọi người, để mọi người nhận ra đó không phải là kênh đầu tư hoàn toàn an toàn.
"Điều này cực kỳ quan trọng, ở góc độ nào đó sẽ góp phần rung chuông cảnh báo toàn thị trường, dù cơ quan quản lý nhà nước nhiều nỗ lực cảnh cáo trong năm nay. Tôi nghĩ cũng sẽ rất tốt khi có sự phá sản để chứng minh thị trường Việt Nam hoạt động bình thường chứ không phải theo kiểu ai cũng muốn phát hành trái phiếu ai cũng có thể trả nợ. Tuy nhiên, ở thời điểm này, để một trái phiếu doanh nghiệp có thể vỡ nợ lại không hề dễ dàng", ông Minh nói.
Bình luận thêm về sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán năm 2021, ông cho biết, với ngành quản lý quỹ, đây là một năm ghi nhận sự tăng trưởng chưa từng có trong lịch sử. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng tài sản của ngành nhanh, đột biến so với giai đoạn trước. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hết tháng 11/2021, có khoảng 488 nghìn tỷ đồng đang nằm trong tài sản các quỹ, tương đương 21 tỷ đô la tăng 21,7%. Trong tài sản quản lý toàn ngành, tiền nằm trong quỹ mở tăng ngoạn mục, tăng từ 88 nghìn tỷ năm ngoái lên 126 nghìn tỷ đến cuối tháng 10 năm nay, tốc độ tăng 43%, tăng ngang với tốc độ tăng VN-Index.
Thị trường cũng ghi nhận thay đổi đột biến đối với sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Sự thay đổi này được phát sinh tác động từ công nghệ và do ảnh hưởng của Covid-19 thúc đẩy quan điểm chung của mọi người về đầu tư.
"Đối với nhà đầu tư là những người F0 nằm trong số 1 triệu tài khoản mở mới năm nay họ mua chứng khoán không quan tâm công ty tốt hay xấu mà chỉ quan tâm lợi nhuận có tăng nhanh hay không. Chung quy lại, vấn đề bất thường nhất năm nay được tăng trưởng dựa trên sự đóng góp của nhiều người là nhà đầu tư F0 mà tôi nghĩ rằng họ có kiến thức tài chính chưa tốt dẫn tới hội chứng FOMO sợ gia nhập thị trường trễ, sợ bỏ qua sóng và lỡ cơ hội kiếm tiền. Cũng có thể chúng ta thấy bất thường nhưng thực tế đó là điều bình thường khi họ không quan tâm danh mục nhà đầu tư nước ngoài mua nữa mà chỉ quan tâm một việc duy nhất kiếm tiền nhanh", Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam nhấn mạnh.