Những ngày cuối xuân hiện tại là khoảng thời gian duy nhất trong năm những Đại lão Mai Vàng trên non thiêng Yên Tử khoe sắc. Vì vậy, chẳng du khách nào muốn bỏ lỡ dịp này để được "check in" với Mai Vàng – loài hoa quý của danh sơn, tương truyền do chính Phật Hoàng trồng. Sau rất nhiều ngày mong đợi, ngay khi các chốt kiểm soát liên tỉnh tại Quảng Ninh được dỡ bỏ từ ngày 22/3, du khách trên khắp cả nước đã hướng về danh sơn Yên Tử - chốn Tổ Phật giáo Việt Nam để tham quan, chiêm bái.
Theo phong thủy phương đông thì Yên Tử vốn nổi tiếng là chốn "địa linh" từ xa xưa. Cổ sử của Trung Hoa cách nay hơn ngàn năm từng chép – "Phúc địa thứ tư tại Giao Châu là Yên Tử sơn" (Giao Châu xưa thuộc Việt Nam ngày nay). Cổ sử Việt thời vua Tự Đức cũng đã ghi "…đưa Yên Tử vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ…".
Theo phong thủy phương đông thì Yên Tử vốn nổi tiếng là chốn "địa linh" từ xa xưa. Cổ sử của Trung Hoa cách nay hơn ngàn năm từng chép – "Phúc địa thứ tư tại Giao Châu là Yên Tử sơn" (Giao Châu xưa thuộc Việt Nam ngày nay). Cổ sử Việt thời vua Tự Đức cũng đã ghi "…đưa Yên Tử vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ…".
Núi càng linh thiêng hơn khi có các cao tăng, thánh hiền đến đây tu tập, bồi đắp thêm truyền thống, tinh thần và năng lượng chánh đạo. Từ thế kỷ 3 trước Công nguyên, có đạo sỹ tên là An Kỳ Sinh lên núi tu tiên, chữa bệnh cứu người. Người xưa tôn kính gọi ông là An Tử và gọi núi là An Tử Sơn, tức núi Yên Tử ngày nay. Sự kiện này là minh chứng cho thấy Yên Tử là một địa chỉ đạo giáo lâu đời và cũng là nơi con người tìm đến để tu luyện đạo tiên.Thời Lý, có thiền sư Hiện Quang vào sâu trong núi Yên Tử kết cỏ lập am tranh, khai sơn chùa Hoa Yên, khơi nguồn mạch cho dòng thiền Yên Tử, được tiếp nối bởi quốc sư Đạo Viên, quốc sư Đại Đăng, thiền sư Tiêu Dao, thiền sư Huệ Tuệ…cho đến tận ngày nay.Núi càng trở nên đặc biệt linh thiêng từ thế kỷ 13, khi đức vua anh minh Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên Yên Tử tu hành, giác ngộ Phật, trở thành vị hoàng đế duy nhất đắc quả vị Phật. Ngài sáng lập và trở thành Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền đậm bản sắc Việt. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô Phật giáo Đại Việt và là nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam.Trên núi Yên Tử, còn đó các di sản quý giá với những giá trị không thể đong đếm do tiền nhân để lại. Đường tùng nổi tiếng hơn 700 năm tuổi do Phật hoàng cùng đệ tử của Ngài vun trồng đã trở thành con đường hành hương huyền thoại in dấu chân của Phật hoàng, các chư tổ và Phật tử về với các Tổ trong cả ngàn năm qua. Đường Tùng được công nhận là hàng cây trồng cổ nhất Việt Nam với những "cụ tùng" cổ nay đã trở thành "Thần mộc", mang linh khí của non thiêng, biểu trưng sức sống mãnh liệt, khí phách hiên ngang, chính trực của bậc thiền nhân, quân tử.
Huệ Quang Kim Tháp được ví như trái tim của non thiêng, là nơi thờ xá lợi Phật hoàng Trần Nhân Tông, tọa lạc trên thế đất đầu rồng. Trong tháp có bảo vật quốc gia là bức tượng Phật hoàng cổ nhất thể hiện hình ảnh của Ngài chân thực cả về thần thái, tư thế tọa thiền, pháp phục...
Tọa lạc ở đỉnh thiêng cao nhất của dãy núi, chùa Đồng như đóa sen bừng nở giữa mây trời, nơi con người cùng giao hòa với đất, trời và tiếp nhận nguồn sinh khí mạnh mẽ từ non thiêng Yên Tử.
Để đảm bảo du xuân an toàn, Khu di tích danh thắng Yên Tử đã chuẩn bị các phương án, quy trình đón khách tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch, nhất là khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Tất cả du khách được yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn và đảm bảo khoảng cách giữa các đoàn.Được biết, lượng khách về Yên Tử cũng rải đều ra các ngày trong tuần, trung bình trên 2000 khách/ngày. Dịp cuối tuần đông hơn nhưng không quá tải, khoảng trên 5000 khách/ngày. Dự báo con số này sẽ còn tăng lên trong tuần tới. Tuy vậy, với các điểm di tích trải dài trong không gian rộng lớn nên du khách về Yên Tử vẫn được tận hưởng một không khí du xuân thảnh thơi, an nhiên, không quá xô bồ, chen lấn.
Hưởng ứng những chính sách kích cầu du lịch của tỉnh Quảng Ninh, Yên Tử áp dụng miễn phí vé tham quan di tích, danh thắng vào các ngày lễ và giảm một nửa giá vé các ngày còn lại trong năm 2021. Riêng vé cáp treo trong năm 2021 giảm 25% cho du khách cả nước.