April 04, 2022 | 10:30 GMT+7

Cung tiền có phải yếu tố gây ra lạm phát?

Lãnh đạo một vụ chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nhà điều hành đang giữ van cung tiền phù hợp và cung cầu ngoại tệ ổn định. Do vậy, lạm phát đang được kích hoạt từ hướng khác...

Chi phí đẩy đang là mối lo của lạm phát trong thời gian còn lại của năm
Chi phí đẩy đang là mối lo của lạm phát trong thời gian còn lại của năm

Tại buổi Đối thoại chuyên đề "Vòng xoáy lạm phát - Kiểm soát chi phí đẩy" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước đã có những chia sẻ về rủi ro lạm phát tại Việt Nam liên quan đến cung tiền.

Theo ông Long, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm tới việc điều hành các chỉ tiêu tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Trong đó, mức hợp lý ở đây tức là lạm phát không chỉ đạt mục tiêu trong năm nay, mà còn không tạo áp lực cho năm sau.

Chi tiết hơn, ở yếu tố tăng trưởng tín dụng, cách đây hơn chục năm thì rất cao, nhưng thời gian qua luôn được đặt ra ở mức phù hợp với thị trường. Đồng thời, tín dụng cũng được hướng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế dòng tiền đi vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Tương tự, thanh khoản luôn được duy trì dồi dào vừa phải, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý. Hay như tỷ giá luôn được giữ ổn định, bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước hiểu rằng, trong bối cảnh lạm phát thì tỷ giá có vai trò rất quan trọng để hạn chế sức ảnh hưởng từ việc giá cả hàng hoá thế giới đang tăng nhanh.

Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước. Ảnh Chu Xuân Khoa.
Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước. Ảnh Chu Xuân Khoa.

Với việc điều hành đồng bộ như vậy, có thể thấy diễn biến lạm phát trong thời gian qua luôn được kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu. Trong đó lạm phát toàn phần CPI đều là dưới 4%. Đối với lạm phát cơ bản, dao động trong 0,8-2%, mức hợp lý đối với Việt Nam.

"Đây là yếu tố hết sức quan trọng và hỗ trợ trong việc ổn định được nền kinh tế vĩ mô, và kỳ vọng kiểm soát lạm phát đề ra", ông Long nhìn nhận.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM, cho rằng cấu phần tiền tệ, hay cung tiền không cần phải quá lo lắng. Thông qua sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước tỷ giá đầy đủ khả năng chống chịu được những cú sốc từ bên ngoài, cung tiền rất ổn định không có sự kích hoạt lạm phát.

Vậy đâu mới là nguyên nhân đưa Việt Nam đến gần hơn với rủi ro lạm phát?

Theo ông Trung, yếu tố chi phí đẩy mặc dù chưa làm "bùng cháy" lạm phát nhưng cũng đang phả "hơi nóng". Cụ thể, vấn đề năng lượng rất khó đoán, khó để kiểm soát do vẫn phải phụ thuộc vào thị trường quốc tế. 

"Còn nhớ năm 2017, kịch bản không tốt đã diễn ra với giá dầu, thì nay kịch bản còn không tốt hơn nữa. Giá dầu đang vượt so với kịch bản bình quân đưa ra là trên 50%. Và khi giá dầu ở mức 100-125 USD/thùng thì giá xăng trong nước sẽ tăng khoảng 40% và lạm phát tăng 1,44-2,7%", ông Trung nói.

 

Với các cấu phần như vậy, ông Trung dự báo, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 ở mức 4% rất khó khăn và tạo áp lực lớn cho nhà điều hành. Lạm phát trung bình cả năm 2022 vẫn có thể đảm bảo ở mức 4%, nhưng tính từng tháng và so với cùng kỳ năm trước sẽ vượt qua ngưỡng này ở những tháng cuối năm.

Đáng chú ý, ông Trung còn cho rằng, kịch bản hiện tại chưa chắc đã phải là xấu nhất, vấn đề năng lượng không thể dự báo chính xác. Đồng thời, chi phí y tế và giáo dục dù năm nay có thể kiểm soát được nhưng những năm tiếp theo vẫn phải tăng để phù hợp với thị trường.

Mặt khác, yếu tố cầu kéo cũng cần phải quan tâm. Hiện tại, do chiến lược Zero Covid-19 của Trung Quốc, nguồn cung nguyên vật liệu bị gián đoạn khiến giá cả hàng hóa tăng theo ngày. Hay như diễn biến người dân không tái đàn lợn, trong khi nhu cầu thực phẩm vẫn không đổi.

Do đó, ông Trung kiến nghị, nhà điều hành nên thể hiện tính linh hoạt với thị trường trong thời điểm hiện tại. "Cần điều chỉnh phù hợp về mục tiêu 4% để tránh kích hoạt tâm lý kỳ vọng lạm phát. Thà điều chỉnh sớm thì sẽ giảm áp lực cho nhà quản lý, tránh kỳ vọng từ người dân, thể hiện tính linh hoạt và thị trường", ông Trung nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate