Lý do của việc ra đời các sản phẩm nhãn riêng (private label) chính là từ quyết tâm không bỏ sót khách hàng của các chuỗi cửa hàng bán lẻ. Hàng nhãn riêng mở ra cơ hội cho người tiêu dùng chọn lựa những sản phẩm chất lượng bảo đảm, với tâm lý không phải chi trả cho những giá trị mà họ không thực sự tiêu dùng, trong đó có thương hiệu sản phẩm. Các chuyên gia bán lẻ dự đoán, chỉ trong vòng ba năm tới, cứ bốn sản phẩm bán ở siêu thị sẽ có một sản phẩm là nhãn hàng riêng.
VŨ KHÍ CẠNH TRANH CỦA CÁC “ÔNG LỚN” BÁN LẺ
Khái niệm hàng nhãn riêng được biết đến nhiều bắt đầu từ năm 2004. Đó là lúc các chuỗi cửa hàng bán lẻ ở nhiều nước tiên tiến bắt đầu tăng tốc cạnh tranh thu hút thị phần. Không tốn chi phí tiếp thị và quảng cáo, các sản phẩm nhãn riêng nhắm thẳng đến khách hàng của chuỗi cửa hàng bán lẻ. Cách tiếp thị duy nhất với nhóm sản phẩm này là gắn liền với việc khuyến khích khách hàng tiêu dùng thông minh: chọn hàng nhãn riêng với chất lượng không thua kém các sản phẩm đã có thương hiệu, giá lại rẻ hơn đáng kể.
Khoảng năm 2009, Amazon lặng lẽ xâm nhập thị trường bán lẻ bằng nhãn hiệu riêng AmazonBasics, trong đó nổi bật là sản phẩm pin tiểu với giá thấp hơn khoảng 30% so với các thương hiệu nổi tiếng. Chỉ trong vài năm, AmazonBasics đã chiếm gần một phần ba thị trường pin trực tuyến, bán chạy hơn cả Energizer và Duracell trên chính website Amazon. Thừa thắng xông lên, AmazonBasics tung ra hơn 100 sản phẩm mới, liên tục thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, có những năm tung ra đến hơn 50 mẫu mã khác nhau.
Năm 2018, chuỗi siêu thị Aldi của Đức đã gần như đánh bại nhà bán lẻ lớn nhất thế giới là Walmart bằng chính sở trường của Walmart: giá thấp. Theo CEO Jason Hart của chi nhánh Aldi tại Mỹ, các nghiên cứu nội bộ của Aldi cho thấy giá của hãng này thấp hơn 21% so với các đối thủ có mức giá thấp nhất, bao gồm cả Walmart. Theo ông Hart, việc Aldi tập trung bán các mặt hàng mang nhãn hàng riêng thay vì các thương hiệu nổi tiếng là chìa khóa cho phép các siêu thị hay hệ thống bán lẻ có thể điều chỉnh giá bất cứ khi nào họ muốn.
Theo Financial Times, một số nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới sẽ đối mặt với doanh số bán hàng sụt giảm trong thời gian tới khi người mua sắm chuyển sang các thương hiệu riêng của siêu thị có giá bán rẻ hơn để tiết kiệm chi phí trong thời kỳ bão giá. Tại Mỹ, sau khi đạt mức tăng trưởng hai con số vào năm 2022, thị trường sản phẩm nhãn riêng bắt đầu tăng sau khi chững lại trong quý đầu tiên của năm 2023, với doanh số tăng hai con số và thị phần cũng lớn hơn.
Dữ liệu toàn quốc do Circana cung cấp riêng cho Hiệp hội các nhà sản xuất nhãn hiệu tư nhân (PLMA) cho thấy trên tất cả các kênh tạp hóa của Hoa Kỳ, tổng giá trị của hàng nhãn riêng đã tăng 10,3%, gần gấp đôi mức tăng của các thương hiệu quốc gia (5,6%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số 17 ngành hàng thực phẩm và phi thực phẩm mà Circana theo dõi, có tới 15 ngành hàng sản phẩm nhãn riêng đạt mức doanh số tăng hai chữ số, bao gồm: đồ uống (17,1%), bánh mì (16,8%), thực phẩm nói chung (16%), đồ nguội chế biến sẵn (12,4%), sản phẩm chăm sóc sức khỏe (10%)...
Tương tự, nhiều hộ gia đình ở châu Âu đang dần giảm mua các sản phẩm sữa chua, cà phê, snack, kem, thịt đông lạnh và giấy ăn của các thương hiệu nổi tiếng để chuyển sang sử dụng nhãn hàng riêng của các siêu thị. Một cuộc khảo sát của Berenberg đối với người tiêu dùng Anh cho thấy 58% đang cân nhắc chuyển sang các nhãn hàng riêng.
Trang Herald Sun cũng thông tin rằng hàng nhãn riêng đã chinh phục người tiêu dùng Úc do giá rẻ, chất lượng tốt, trong đó được chọn nhiều nhất là sữa tươi, phô mai, sản phẩm tẩy rửa, thức ăn cho vật nuôi.
Tại Việt Nam, khi đi mua sắm tại hệ thống các siêu thị như WinMart, Lotte Mart, Emart hay Co.opmart,… không khó để người tiêu dùng bắt gặp các sản phẩm mang thương hiệu của chính các nhà bán lẻ này...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37-2023 phát hành ngày 11-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam