Thêm một nhà băng chuẩn bị hầu tòa vì thất bại trong kiểm soát dòng tiền bẩn. Đó là NatWest, một trong những ngân hàng lớn nhất ở London, Anh.
London từ lâu bị xem là một trung tâm rửa tiền toàn cầu. Ước tính, bình quân mỗi năm có khoảng 90 tỷ Bảng tiền bẩn chảy qua London - theo Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh quốc. Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (FCA) sắp tới sẽ đưa NatWest ra tòa vì cho rằng nhà băng này không phát hiện được các giao dịch đáng ngờ của Fowler Oldfield - một khách hàng doanh nghiệp.
LIÊN TIẾP BÊ BỐI RỬA TIỀN
Fowler Oldfield là tập đoàn kinh doanh vàng và kim hoàn có trụ sở tại Bradford đã ngừng hoạt động từ năm 2016 sau một cuộc đột kích của cảnh sát. Kết quả điều tra cho thấy Fowler Oldfield liên quan mật thiết đến một bê bối rửa tiền trị giá hàng triệu bảng Anh. Tập đoàn này đã gửi 365 triệu Bảng Anh, trong đó có 264 triệu Bảng tiền mặt vào ngân hàng NatWest trong 5 năm liên tục, từ 2011-2016.
Là nhà băng trực tiếp thực hiện các giao dịch của Fowler Oldfield, NatWest lập tức lọt vào tầm ngắm của các nhà quản lý tài chính với hàng loạt cáo buộc như không thể hiện được vai trò thẩm định đối với các rủi ro tài chính nhạy cảm, thiếu trách nhiệm giám sát mối quan hệ của nhà băng với khách hàng nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền.
Đại diện NatWest dự kiến sẽ trình diện trước tòa án quận Westminster vào ngày 14/4 để giải trình các cáo buộc. Nếu bị kết tội vi phạm các quy tắc chống rửa tiền, NatWest chắc chắn sẽ phải đối mặt với một khoản tiền phạt lớn. Đây có thể coi là đòn giáng nặng nề vào danh tiếng của ngân hàng này.
"NatWest là một ngân hàng có 62,4% vốn nhà nước. Trớ trêu thay, Chính phủ đang tự truy tố mình" - luật sư Jonathan Fisher tại công ty luật Bright Line Law phát biểu.
Mỗi năm tại Anh, ước tính các tổ chức tài chính phải nộp phạt khoảng 598 triệu Bảng cho các cơ quan quản lý vì các cáo buộc để lọt hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, vụ việc của NatWest là trường hợp đầu tiên một ngân hàng ở London bị truy tố hình sự kể từ khi bộ quy định về rửa tiền được Vương quốc Anh luật hóa vào năm 2007.
Không riêng Anh, các giao dịch rửa tiền từ lâu đã trở thành mối quan ngại tại nhiều quốc gia khác. Thống kê của Fenergo cho biết các tổ chức tài chính toàn cầu đã phải nộp phạt 10,4 tỷ USD trong năm 2020 vì vi phạm quy định chống rửa tiền, tăng hơn 80% so với năm 2019.
Tháng 1/2021, một ngân hàng khác của Mỹ là Capital One đã phải nộp khoản phạt kỷ lục 390 triệu USD vì không khai báo hàng nghìn giao dịch đáng ngờ.
Còn ngân hàng Đan Mạch Danske cho đến nay vẫn phải gánh hậu quả còn lại từ vụ bê bối hồi năm 2018, khi các cơ quan chức năng phát hiện có khả năng hơn 200 tỷ USD tiền bẩn đã được rửa qua chi nhánh Danske ở Estonia.
KHÓ NHẬN DIỆN TỘI PHẠM TÀI CHÍNH
Bà Rachel Wooley, giám đốc toàn cầu về tội phạm tài chính tại tập đoàn công nghệ Fenergo nhận định: "Việc nhận diện tội phạm tài chính chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng… Các tổ chức tài chính phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc xác định tội phạm tài chính, nhất là hành vi bất hợp pháp của những nhóm tội phạm có tổ chức".
Trong trường hợp của NatWest, nhà băng này sở hữu đội ngũ hùng hậu 4.000 nhân viên chuyên phát hiện và ngăn chặn các hành vi tội phạm tài chính, chiếm tới 8% tổng số nhân sự. Trong suốt thập kỷ qua, NatWest đã đổ tới 1,2 tỷ bảng Anh vào việc cải thiện hệ thống kiểm soát gian lận tài chính của mình. Thế nhưng NatWest vẫn thất bại trong việc kiểm soát và phát hiện nghi vấn liên quan đến rửa tiền của Fowler Oldfield.
Theo Văn phòng Ma túy và Tội phạm trực thuộc Liên hợp quốc, tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm có thể ngang bằng 2-5% GDP thế giới, tương đương 800 - 2.000 tỷ USD.
Ông Gudmundur Kristjansson, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc đầu tư của LinkedIn nhận định: "Các ngân hàng trên toàn cầu đang chi khoảng 40 tỷ USD mỗi năm cho cuộc chiến chống tội phạm tài chính. Con số này nghe chừng lớn, nhưng so với 2 nghìn tỷ USD tiền bẩn chảy qua hệ thống ngân hàng mỗi năm thì 40 tỷ USD là quá nhạt nhòa".
Thực tế, có rất nhiều bên liên quan đóng vai trò nhất định, hoặc thậm chí đồng lõa trong các giao dịch rửa tiền. Chẳng hạn, chính các công ty pháp lý hay kiểm toán có thể đóng vai trò như những đơn vị tư vấn giúp các tổ chức tội phạm tạo ra một cấu trúc doanh nghiệp phức tạp - vỏ bọc hoàn hảo để che khuất đối tượng nắm quyền sở hữu cuối cùng của tài sản.
"Không chỉ các tổ chức tài chính mới có vai trò phát hiện, ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp này. Rõ ràng trọng tâm vai trò thuộc về các cơ quan cố vấn pháp lý, các công ty kiểm toán…Các nhóm tội phạm có tổ chức thường sử dụng nhiều phương pháp tinh vi để tránh bị phát hiện khi đưa tiền bẩn vào hệ thống tài chính" - bà Woolley nói thêm.
Tại Anh, quy định về rửa tiền được áp dụng thành luật năm 2007 phần lớn là kết quả của Chỉ thị chống rửa tiền lần thứ ba mà EU đưa ra. Kể từ đó đến nay, EU đã công bố thêm 3 chỉ thị mới nhằm chống các hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, do đã ra khỏi EU, Vương quốc Anh không có nghĩa vụ tuân thủ 6 chỉ thị kể trên.
Dù vậy, bà Woolley khuyến cáo Anh sẽ có lợi hơn nếu tiếp tục điều chỉnh luật chống rửa tiền tương tự như khối EU nhằm tạo nên một mạng lưới thống nhất, hợp tác và liên kết chặt chẽ với nguồn dữ liệu quy mô lớn để phát hiện tội phạm tài chính hiệu quả hơn.
Chẳng hạn, một nhóm 5 ngân hàng Hà Lan là ABN AMRO, ING, Rabobank, Triodos Bank và Volksbank đã thành lập liên minh giám sát giao dịch như một cách tiếp cận sáng tạo để chống rửa tiền. Hay Monaco năm 2019 cũng ký với Thụy Sĩ một giao thức hợp tác chặt chẽ trong nỗ lực kiểm soát dòng tiền, ngăn chặn tội phạm tài chính.