Nổi tiếng với văn hóa doanh nghiệp cứng nhắc, Pinduoduo, một tên tuổi lớn trong thị trường thương mại điện tử Trung Quốc, sẵn sàng áp dụng quy chế với những gì họ xem là vi phạm hợp đồng của nhân viên.
Kể từ khi thành lập vào năm 2015, các chiến lược quyết liệt và văn hóa doanh nghiệp nghiêm ngặt của công ty đã giúp Pinduoduo xâm nhập vào các hạng mục hàng đầu của các ông lớn internet của Trung Quốc. Công ty mẹ của Pinduoduo - PDD Holdings hiện đã vượt qua Alibaba Group Holding về vốn hóa thị trường và trở thành công ty Trung Quốc có giá trị nhất được niêm yết ở Mỹ vào năm ngoái.
LẠM DỤNG THỎA THUẬN KHÔNG CẠNH TRANH
Thỏa thuận không cạnh tranh rất phổ biến ở nhiều nước, với mục tiêu bảo vệ bí mật thương mại cho các doanh nghiệp, bằng cách ngăn cản quản lý cấp cao sang đầu quân cho đối thủ. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, điều khoản này đang trở thành công cụ mạnh tay cho các công ty như Pinduoduo, Tencent, ByteDance, Baidu, CATL,... ngăn cản cả những nhân viên cấp thấp sang đối thủ.
Ông Shen Jianfeng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật Lao động và An sinh Xã hội tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương ở Bắc Kinh cho biết: "Tại Trung Quốc, các công ty đang lợi dụng điều khoản không cạnh tranh, mở rộng phạm vi đáng kể, dẫn đến việc sử dụng sai mục đích".
Một thỏa thuận không cạnh tranh điển hình quy định nhân viên không được gia nhập đối thủ trong một khoảng thời gian nhất định sau khi rời công ty cũ. Vi phạm thỏa thuận này có thể dẫn đến kiện tụng, khiến nhân viên đối mặt với khoản phạt tài chính khổng lồ hoặc thất nghiệp tới 2 năm, chỉ nhận được trợ cấp nhỏ từ công ty cũ. Sau thời gian gián đoạn dài như vậy, một số nhân viên gần như không thể quay lại ngành nghề đã chọn.
Ông Shen nói: "Mặc dù có vẻ là thỏa thuận đôi bên, việc từ chối ký các thỏa thuận như vậy có thể dẫn đến mất việc. Do đó, có sự mất cân bằng quyền lực đáng kể giữa người sử dụng lao động và người lao động. Nhiều nhân viên có thể không hiểu những hậu quả tiềm ẩn liên quan đến các thỏa thuận này khi họ ký kết chúng".
Một số công ty Trung Quốc còn dùng cả phương thức theo dõi, giám sát để thu thập bằng chứng về nhân viên cũ vi phạm hợp đồng, một cách làm gây tranh cãi và khiến nhân viên bị tổn thương nhưng lại được hệ thống pháp lý Trung Quốc chấp nhận là chứng cứ hợp pháp.
Qua phân tích hàng trăm tài liệu tòa án Trung Quốc và phỏng vấn hàng chục nhân viên công nghệ cùng nhiều chuyên gia pháp lý, Nikkei Asia có được thông tin độc quyền về cách các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc sử dụng điều khoản không cạnh tranh để níu kéo nhân viên bằng mọi giá. Các chuyên gia cho rằng điều này gây ra những vấn đề về đạo đức và pháp lý, có thể kìm hãm sự sáng tạo và phát triển của ngành công nghệ Trung Quốc.
Kể từ cuối năm 2020, khi Bắc Kinh siết chặt ngành công nghệ, các công ty công nghệ hàng đầu như Tencent và Alibaba bắt đầu cắt giảm nhân viên để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, PDD Holdings vẫn mở rộng khi công ty con Temu phát triển mạnh ở thị trường nước ngoài.
Theo hàng trăm tài liệu tòa án mà Nikkei xem xét, Pinduoduo, Alibaba, Tencent, ByteDance, JD.com và Baidu đều theo dõi và quay phim nhân viên cũ ngay từ khi họ rời khỏi khu nhà cho đến khi đến nơi làm việc mới.
Việc giám sát và ghi hình này thường kéo dài từ 7 đến 14 ngày và được trình bày trước tòa như bằng chứng. Mặc dù nhân viên và luật sư của họ phản đối tính hợp pháp của các đoạn phim, nhưng trọng tài và thẩm phán đã chấp nhận chúng làm bằng chứng trong hầu hết các vụ án.
Các học giả pháp lý và luật sư cho rằng sẽ rất khó khăn để nhân viên yêu cầu được bảo vệ theo luật quyền riêng tư hoặc bảo vệ dữ liệu ở Trung Quốc, vì các công ty có thể tranh luận rằng các đoạn phim được quay ở những nơi công cộng.
LO NGẠI ẢNH HƯỞNG ĐẾN NĂNG LỰC SÁNG TẠO VÀ CẠNH TRANH CỦA NGÀNH CÔNG NGHỆ
Năm 2018, ByteDance, công ty mẹ của TikTok, bắt đầu tích cực tuyển dụng từ các đối thủ, đặc biệt là Baidu và Tencent, khi hoạt động kinh doanh của họ mở rộng nhanh chóng sang lĩnh vực trò chơi, giáo dục và thương mại điện tử. Lực lượng lao động của họ tăng từ khoảng 20.000 nhân viên vào năm 2018 lên gần 100.000 nhân viên vào năm 2020. Tài liệu tòa án cho thấy trong một số trường hợp, nhân viên cũ của Tencent sẽ ký hợp đồng với các công ty nhân sự nhưng thực chất lại làm việc tại văn phòng của ByteDance, sử dụng thẻ nhân viên chính thức của ByteDance mỗi ngày.
Ông Shen, chuyên gia pháp lý Bắc Kinh, cho biết: "Các công ty công nghệ hàng đầu có những chuyên gia chuyên trách về các vấn đề thỏa thuận không cạnh tranh. Những chuyên gia này liên tục nghiên cứu chính sách và nắm rõ các ranh giới pháp lý trong hệ thống tòa án. Thực tế, kiến thức của họ về những ranh giới này có thể vượt qua thẩm phán, những người chỉ thỉnh thoảng gặp phải những vụ án như vậy".
Theo tài liệu tòa án, do chi phí ký kết thỏa thuận không cạnh tranh thấp, nhiều công ty hiện đang mở rộng chúng cho mọi nhân viên, thậm chí là nhân viên lau dọn văn phòng trong một trường hợp cực đoan.
Ông Dương Hạo Nam, chuyên gia về luật lao động và việc làm tại Đại học Ngoại ngữ Quảng Đông ở Quảng Châu, cho biết việc các công ty yêu cầu tất cả nhân viên ký kết thỏa thuận không cạnh tranh là bất hợp pháp.
Ông Dương nói phạm vi của các thỏa thuận không cạnh tranh theo Luật Hợp đồng Lao động của Trung Quốc còn "mơ hồ", nhưng "điều đó không có nghĩa là không có ranh giới." Ông nhấn mạnh rằng các thỏa thuận như vậy nhằm mục đích bảo vệ "lợi ích kinh doanh hợp pháp của người sử dụng lao động [và] không được sử dụng sai mục đích để hạn chế cạnh tranh nói chung”.
"Nhân viên cấp thấp là lực lượng nòng cốt của Pinduoduo. Những cá nhân này thường nắm giữ các vị trí độc đáo với quyền truy cập vào các tài sản có giá trị của công ty, chẳng hạn như thông tin hợp đồng giá đặc biệt hoặc mã logic kinh doanh đặc biệt", người phát ngôn của Pinduoduo cho biết.
Ít nhất ba trong số 11 cựu nhân viên đăng bài trên Weibo cho biết họ đã được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng sau khi các thủ tục pháp lý được tiến hành chống lại họ. Một kỹ sư thuật toán cho biết anh ta đã cố gắng tự tử vì bị yêu cầu trả 4,5 triệu nhân dân tệ cho công ty sau 4 năm rưỡi làm việc ở đó.
Cái giá của việc lên tiếng cũng tăng lên. Sau những bài đăng liên tục trên mạng xã hội, một số trong 11 cựu nhân viên của Pinduoduo cho biết họ đã bị đưa đến đồn cảnh sát để thẩm vấn hoặc nhận cảnh cáo từ cảnh sát.
"Ngay cả khi một nhân viên cũ không sở hữu các kỹ năng cực kỳ bí mật, công ty vẫn có quyền áp đặt các điều khoản không cạnh tranh nếu họ cho là cần thiết", luật sư nói.
Trong những năm 2000, với nền kinh tế bùng nổ, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt luật nhằm bảo vệ quyền của người lao động. Đây một phần là nỗ lực nhằm duy trì ổn định xã hội - một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc - bằng cách khiến các doanh nghiệp khó sa thải những nhân viên không phù hợp. Các động thái này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các công ty và thậm chí cả một số học giả pháp lý cho rằng luật pháp đặt gánh nặng lên các doanh nghiệp.
Nhưng khi tăng trưởng kinh tế bắt đầu chậm lại sau năm 2010, Bắc Kinh bắt đầu ưu tiên tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc ít chú trọng hơn đến quyền của người lao động.
Tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), cơ quan thực thi luật chống độc quyền, dự kiến sẽ bỏ phiếu về đề xuất toàn diện nhằm cấm các thỏa thuận không cạnh tranh trong tháng này. Nếu được chấp thuận, lệnh cấm sẽ có hiệu lực sớm.
Một số tiểu bang đã cấm các điều khoản không cạnh tranh. Trong trường hợp của California, lệnh cấm của họ thường được cho là nguyên nhân dẫn đến thành công của Thung lũng Silicon.
"Các điều khoản không cạnh tranh rõ ràng ảnh hưởng đến tính linh hoạt của lực lượng lao động và cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh công nghệ cốt lõi của Trung Quốc", ông Shen nói. "Khi cá nhân bị hạn chế theo đuổi các hoạt động định hướng của họ, tiềm năng đầy đủ của họ không thể được tận dụng hết. Điều này không chỉ dẫn đến thiệt hại cá nhân mà còn có những hậu quả bất lợi cho sự phát triển của ngành”.