Đăng ký bán cổ phiếu từ ngày 26/6/2012, nhưng người nhà chủ tịch và nhiều lãnh đạo DLG đã bán cổ phiếu từ ngày…21/6!
Sự kiện nhiều lãnh đạo, người nhà Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG) đăng ký bán cổ phiếu từ ngày 26/6-27/7 thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều cổ đông DLG.
Vào thời điểm từ ngày 13/6, giá cổ phiếu DLG liên tục tụt dốc từ 12.200 đồng/cổ phiếu xuống còn 9.200 đồng/cổ phiếu tính đến ngày 21/6. Khối lượng giao dịch DLG chỉ đạt vài chục nghìn cổ phiếu, riêng ngày 18/6 khớp trên 400.000 cổ phiếu.
Tuy nhiên, “cơn sốt” cổ phiếu DLG xuất hiện từ ngày 21/6 sau khi khối lượng cổ phiếu DLG giao dịch lên tới gần 4 triệu và sau đó 1 ngày khớp hơn 2 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh độ “hót” của giao dịch DLG, thì ngày 21/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) công bố thông tin hai phó tổng giám đốc DLG đăng ký bán cổ phiếu. Cụ thể, ông Phạm Xuân Viên, Phó tổng giám đốc DLG, đăng ký bán sạch 60.500 cổ phiếu. Thành viên Hội đồng Quản trị, Phó tổng giám đốc DLG Đỗ Thanh đăng ký bán sạch 302.500 cổ phiếu. Giao dịch được thông báo từ 26/6-26/7.
Một ngày sau đó, 22/6, đến lượt thành viên Hội đồng Quản trị, Phó tổng giám đốc DLG Võ Châu Hoàng, đăng ký bán sạch 231.014 cổ phiếu DLG.
Tiếp đến, có phần thu hút nhà đầu tư hơn khi bà Nguyễn Thị Hương, vợ Chủ tịch Hội đồng Quản trị DLG, đăng ký bán sạch 1.321.100 cổ phiếu từ ngày 26/6-27/7. Chưa hết, bà Bùi Thị Bích Liên, chị ruột ông Bùi Pháp cũng đăng ký bán hết 194.768 cổ phiếu.
Sau nhiều tin bán cổ phiếu được công bố, website của DLG công bố thông tin: “ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tuyên bố: cá nhân ông Bùi Pháp cùng với các thành viên Hội đồng Quản trị và Ban điều hành Tập đoàn đã gởi văn bản đến Ủy ban Chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đăng ký mua từ 7 triệu đến 8 triệu cổ phiếu DLG, tương ứng 85 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ ngày 27/6 - 27/7/2012”.
Trước sự nóng hổi của sự kiện đăng ký mua - bán cổ phiếu DLG, phản hồi trên VnEconomy, nhiều nhà đầu tư bán tín bán nghi về vấn đề này khi đặt ra câu hỏi “người đăng ký mua, người đăng ký bán, biết tin ai bây giờ?”.
Còn bạn đọc “Van Ha” nêu quan điểm: “Cổ phiếu DLG quả có vấn đề khi vấn đề quan trọng nhất là Công ty đang kinh doanh có lời mà bỗng nhiên giảm giá liên tục (cổ phiếu-PV). Các bạn xem lại giá đầu năm 2011 là 30.000, giá giao dịch hơn 1 tháng gần đây là 20.000. Giá bây giờ là 8.800 đồng/cổ phiếu”.
Nhìn giao dịch, nhiều nhà đầu tư tin rằng vào “bắt đáy” DLG là “quá đẹp”, bởi cách đó hơn 1 tháng cổ phiếu DLG ở mức trên 20.000 đồng/cổ phiếu. Báo cáo tài chính quý 1/2012 cho thấy DLG đạt lợi nhuận sau thuế trên 10 tỷ đồng. Hơn nữa, ngày 24/6/2012, DLG tổ chức lễ khai trương chính thức đưa Bến xe phía nam Đà Nẵng đi vào hoạt động, cho thấy hoạt động của doanh nghiệp này diễn ra bình thường.
Thế nhưng sau đó, thông tin công bố cho thấy ông Bùi Pháp đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu DLG từ 2/7-2/8/2012 và hai thành viên Hội đồng Quản trị đăng ký mua 800.000 cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu DLG được lãnh đạo công ty đăng ký mua thấp hơn so với con số 7-8 triệu cổ phiếu như tuyên bố đăng trên website của DLG.
Nhưng sự việc không chỉ dừng ở đó, trong bối cảnh cổ phiếu DLG dò “đáy” thì ngày 27/7, HOSE công bố thông tin về cổ đông nội bộ, người có liên quan không công bố thông tin giao dịch đúng quy định.
Theo thông báo của HOSE, vợ và chị ruột Chủ tịch DLG cùng nhiều phó tổng giám đốc đã bán gần 2 triệu cổ phiếu DLG từ… ngày 21/6, tức trước ngày thời hạn đăng ký bán có hiệu lực.
Được biết, đến ngày 27/7, tức là thời hạn cuối của nhiều giao dịch cổ phiếu DLG như đăng ký, giá cổ phiếu này còn 6.700 đồng/cổ phiếu, thấp hơn trên 27% so với mức giá 9.200 đồng/cổ phiếu ngày 21/6.
Cuộc “đào thoát” cổ phiếu DLG đúng là ngoạn mục thật. Đến họ, những cổ đông là người thân của Chủ tịch, là lãnh đạo công ty, đã “bán chui” cổ phiếu rồi sau đó làm văn bản đăng ký giao dịch gửi lên HOSE, thì hỏi sao nhà đầu tư không đặt ra câu hỏi về sự minh bạch.
Câu chuyện giao dịch cổ phiếu DLG, cũng như nhiều câu chuyện khác trên thị trường cổ phiếu thời gian qua, đang đặt ra những câu hỏi “mới mà như cũ” rằng: thị trường chứng khoán đã 12 năm phát triển, sao vẫn có những “cuộc chơi giỡn mặt” nhà quản lý và gây tổn hại cho cổ đông, cả về niềm tin và không loại trừ tiền bạc?
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate