May 05, 2025 | 17:01 GMT+7

Cuộc đua phát triển trạm sạc xe điện tại Việt Nam bước sang giai đoạn mới

Hoàng Lâm

Thị trường xe điện trong nước đang có những thay đổi nhanh chóng, nhu cầu trạm sạc là rất bức thiết. Trong xu thế đó, thị trường Việt đang đón nhận một làn sóng các nhà đầu tư vào mảng trạm sạc với những chiến lược khác nhau.

Một hệ thống trạm sạc của VinFast.
Một hệ thống trạm sạc của VinFast.

Theo một báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu tốc độ phát triển mạng lưới trạm sạc công cộng tăng nhanh thì xe điện Việt Nam sẽ có những bứt phá nhanh hơn trong khoảng từ 2035 – 2050. Còn theo Statista, các chuyên gia dự báo đến năm 2028, sẽ có khoảng một triệu xe điện thông trên đường ở Việt Nam, với dự báo đạt 3,5 triệu vào năm 2040. Để đáp ứng được nhu cầu của hàng triệu chiếc xe điện, việc phủ sóng các trạm sạc là điều bắt buộc vì trạm sạc được ví như “mạch máu” của phát triển xe điện.

Hiện ở Việt Nam, VinFast đang là đầu tàu phát triển hệ thống trạm sạc rất lớn, phủ sóng khắp cả nước, phục vụ cho những người đang sử dụng xe VinFast. Không chỉ thế, để đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm sạc của mình, song song với việc tự phát triển hạ tầng trạm sạc khắp Việt Nam, công ty V-Green chuyên phát triển trạm sạc của VinFast còn triển khai thêm mô hình nhượng quyền theo hình thức "doanh nghiệp và người dân cùng làm".

Tương tự trạm sạc chính hãng do V-Green đầu tư, trạm sạc nhượng quyền V-Green sẽ phục vụ các chủ sở hữu ô tô điện và xe máy điện VinFast trên toàn quốc (dự kiến sẽ đạt 300.000 ô tô và 1 triệu xe máy điện vào năm 2025). V-Green cam kết đồng hành, chia sẻ doanh thu ở mức cố định 750 VNĐ cho mỗi 1 kWh điện sạc cho các đối tác trong vòng tối thiểu 10 năm. V-Green còn hỗ trợ toàn bộ công nghệ quản lý vận hành, quản lý thu chi, bảo trì bảo dưỡng, marketing thu hút khách hàng đến trạm sạc trong suốt quá trình triển khai hợp tác. V-Green cũng cam kết đền bù cho các chủ trạm sạc nếu V-Green dừng kinh doanh trước hạn cam kết 10 năm.

Để tham gia vào “mạng lưới xanh” của V-Green, các đối tác chỉ cần đầu tư thêm trang thiết bị và cơ sở hạ tầng đảm bảo cho việc vận hành trạm sạc. Ngoài doanh thu chia sẻ từ V-Green, các đối tác còn có thể gia tăng nguồn thu thông qua việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho các chủ xe điện như chăm sóc xe, mua sắm, vui chơi giải trí... trong thời gian chờ sạc.

Hiện nay, V-Green là công ty đang sở hữu mạng lưới trạm sạc dành cho ô tô và xe máy điện lớn nhất tại Việt Nam, với quy hoạch 150.000 cổng sạc tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước. Với cam kết đầu tư 10.000 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống.

Ngoài V-Green, một số doanh nghiệp cũng đang nhảy vào lĩnh vực phát triển trạm sạc xe điện có thể kể đến như EverEV, SOLAREV, Quỹ đầu tư GreenYellow Việt Nam, Eboost, EV One, EverCharge, EVG, Charge Plus, DatCharge, Rabbit EVC, VuPhong Energy, Autel, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power)… Mặc dù cùng đầu tư trạm sạc nhưng các đơn vị này có những chiến lược khác nhau.

Một hệ thống trạm sạc của bên thứ 3 tại Việt Nam.
Một hệ thống trạm sạc của bên thứ 3 tại Việt Nam.

EverEV là nhà cung cấp dịch vụ, thiết bị sạc và khai thác điểm sạc tại Việt Nam. Những sản phẩm chủ lực của công ty này là các bộ sạc gia đình (Home Charger) và bộ sạc DC dành cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình.

Còn EverEV cũng là đối tác của VinFast trong hoạt động hậu mãi dành cho bộ sạc nhanh. SolarEV là công ty chuyên tư vấn, lắp đặt trạm sạc ô tô điện, trạm sạc xe điện sử dụng năng lượng mặt trời, đầu tư dịch vụ trạm sạc xe điện kết hợp F&B, lắp đặt tại các khu du lịch, trạm dừng nghỉ...

Điểm chung của EverEV và SolarEV là những sản phẩm trụ sạc chậm, sạc nhanh có khả năng tương thích cao với nhiều thương hiệu xe điện, giúp đem lại giải pháp sạc pin nhanh chóng dành cho các mẫu xe điện đang được bán tại Việt Nam nhưng chưa có hạ tầng trạm sạc đi kèm như VinFast.

Mới đây nhất là “tân binh” TMT Motors cũng đã chính thức tham gia thị trường trạm sạc. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, TMT Motors chính thức bổ sung ngành nghề kinh doanh phát triển trạm sạc xe điện, đặt mục tiêu phủ sóng 30.000 trạm sạc trên toàn quốc.

Trước đó, TMT Motors đã bắt tay với SGMW - liên minh giữa SAIC Motor, General Motors và Wuling - để phân phối các dòng xe điện tại Việt Nam.

Đáng chú ý, sau nhiều tranh cãi về hệ thống trạm sạc, TMT Motors đã chính thức đẩy mạnh phát triển trạm sạc của riêng mình và theo chia sẻ từ lãnh đạo TMT Motors, hệ thống trạm sạc của công ty này sẽ không giới hạn phục vụ nội bộ, mà sẽ mở cửa cho tất cả các hãng xe điện khác. Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các trạm sạc đa thương hiệu, đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của TMT Motors.

Theo kế hoạch, hệ thống 30.000 trạm sạc của TMT Motors sẽ được triển khai theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1: Ưu tiên lắp đặt tại các thành phố lớn và dọc các tuyến giao thông trọng điểm, nhằm nhanh chóng tạo độ phủ. Giai đoạn 2: Mở rộng về các tỉnh thành, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, hướng tới mục tiêu phủ sóng toàn quốc.

Các trạm sạc sẽ đa dạng về loại hình, bao gồm trạm sạc nhanh, trạm sạc tiêu chuẩn và tích hợp thêm các dịch vụ tiện ích khác. Song song với việc tự xây dựng và vận hành, TMT Motors cũng đang xúc tiến tìm kiếm đối tác chiến lược trong lĩnh vực điện lực, bất động sản và thương mại dịch vụ để đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiện Việt Nam còn thiếu những quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể, các quy định về vị trí, địa điểm để xây dựng những trụ, trạm sạc điện. Đây sẽ là rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp phát triển theo một hệ thống đồng bộ.

Trước thực trạng hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trụ sạc xe điện.

Tháng 4/2024 Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung quy định về đo lường đối với phương tiện nhóm 2 với nội dung bổ sung "thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện" và ban hành kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Kỹ thuật quốc gia năm 2024 trong đó, Bộ đang xây dựng 8 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm điện, sạc điện đối với phương tiện giao thông xanh. Tuy nhiên, trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam chưa có quy chuẩn Việt Nam đối với hệ thống trạm sạc xe điện.

VinFast hiện vẫn đang là đầu tàu phát triển hệ thống trạm sạc cho xe điện khắp Việt Nam. Tuy nhiên, VinFast chưa có ý định mở cho các đơn vị khác "dùng chung".
VinFast hiện vẫn đang là đầu tàu phát triển hệ thống trạm sạc cho xe điện khắp Việt Nam. Tuy nhiên, VinFast chưa có ý định mở cho các đơn vị khác "dùng chung".

Để giải quyết vấn đề này, trong Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trụ sạc xe điện có nhiều điểm giải quyết thực trạng hiện tại. Dự thảo nếu Quy chuẩn quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn đối với trụ sạc xe điện dùng để sạc điện cho xe điện (gọi tắt là  EV) có điện áp cấp danh định đến 1.000 V xoay chiều (AC) hoặc đến 1.500 V một chiều (DC) và điện áp ra danh định đến 1.000 V AC hoặc 1.500 V DC và áp dụng cho xe điện có thể sạc điện từ nguồn điện bên ngoài.

Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với trụ sạc xe điện, cho các loại xe ô tô điện, kể cả các xe ô tô điện hybrid kiểu sạc ngoài (PHEV), lấy hoàn toàn hoặc một phần năng lượng của xe từ các hệ thống lưu trữ năng lượng sạc lại được (RESS) lắp trên xe.

Còn theo Bộ Giao thông vận tải (trước đây), từ năm 2018 đến cuối năm 2022, cả nước có 7.780 xe ô tô điện. Đến năm 2023, con số này đã tăng thêm 12.285 chiếc, trong đó chủ yếu là xe điện VinFast. Bên cạnh đó, hàng loạt nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như TMT Motor, THACO, TC Motor và các hãng xe nước ngoài như OMODA, Wuling, Haima, Haval, Zhidou, Lynk & Co... đều liên tục ra mắt những sản phẩm xe điện đầu tiên tại Việt Nam. Điều này cho thấy thị trường xe điện đang bước vào thời kỳ nở rộ và sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Vấn đề trạm sạc là bài toán lớn nhất mà bất kì hãng sản xuất, phân phối xe điện nào cũng cần phải tính đến đầu tiên khi bán xe điện tại Việt Nam.

Muốn thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng hướng tới Net Zero là định hướng của Chính phủ nhưng ở góc độ người tiêu dùng, nếu không có trạm sạc thì các hãng chắc chắn sẽ khó thuyết phục khách hàng mua xe điện. Tuy nhiên, ở chiều người lại nếu người mua xe điện không nhiều thì việc đầu tư trạm sạc lại là một khoản đầu tư khá mạo hiểm cần cân đong, đo đếm với doanh nghiệp. Trong xu thế mới, trước nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhu cầu trạm sạc đang ngày càng trở nên bức thiết, đòi hỏi Chính phủ cũng cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy phát triển xe điện tại Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate