Ngành bán lẻ đã chứng kiến xu hướng tăng số lượng người quay trở lại với bán lẻ truyền thống tại nhiều thời điểm vào năm nay khi các đợt giãn cách xã hội hay phong toả vì Covid-19 được nới lỏng tại nhiều quốc gia. Các hãng bán lẻ như Macy's Inc và Kohn's Corp đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực gần đây khi khách hàng lấp đầy tủ quần áo của mình sau một năm cắt giảm chi tiêu.
Sau những ngày đen tối do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hãng thời trang Levi Strauss & Co (Levi’s) đang đứng trước triển vọng sáng lạn nhờ điều chỉnh chiến lược kinh doanh và nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới. Doanh thu ròng của công ty đã tăng từ 1,06 tỷ USD lên 1,50 tỷ USD, hãng Reuters cho biết. Cổ phiếu của nhà sản xuất quần jean tăng 2% trong phiên giao dịch kéo dài, sau khi chủ sở hữu thương hiệu Dockers cho biết hội đồng quản trị của họ đã thông qua kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 200 triệu USD. Công ty có giá trị vốn hóa thị trường là 49,49 tỷ USD, theo dữ liệu của Refinitiv.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, Levi’s đã tập trung vào việc thúc đẩy doanh số bán hàng qua mạng đồng thời sử dụng mạng lưới cửa hàng (khoảng 200 cửa hàng tại Mỹ) để thúc đẩy doanh số bán hàng. Hãng thời trang này đã tăng cường vận chuyển các đơn đặt hàng trực tuyến thông qua các cửa hàng của hãng thay vì các trung tâm phân phối lớn, như một cách để đưa sản phẩm đến tay khách hàng nhanh hơn. Levi’s cũng cung cấp dịch vụ nhận hàng ở chỗ đỗ xe cũng như tại cửa hàng.
Bên cạnh đó, Levi’s còn dựa nhiều hơn vào các bảng phân tích dữ liệu để giúp hãng tìm hiểu sâu hơn nhu cầu của khách hàng và điều chỉnh các dòng sản phẩm cho phù hợp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân dành nhiều thời gian để ở nhà nên họ chuyển hướng sang mua sắm các mẫu quần jeans ống rộng thay vì quần ống bó. Ông Bergh cho biết Levi’s đã bổ sung nhiều mẫu quần áo rộng rãi để bắt kịp xu hướng thời trang và quyết sách này đang mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc.
Theo Levi’s, các tín đồ mua sắm đang tăng cường tích trữ đồ jeans với các kích cỡ và kiểu dáng mới, qua đó đẩy doanh thu của hãng trong quý II của tài khóa 2020 - 2021 (kết thúc vào tháng 11/2021) cao hơn dự đoán của các nhà phân tích. Doanh thu bán hàng ở Mỹ và Trung Quốc đều đã vượt mức của năm 2019.
Với việc nhiều người tiêu dùng làm mới hoàn toàn tủ quần áo của họ, Levi’s đang tận hưởng đà phát triển trong mảng kinh doanh đồ jeans của mình. Bên cạnh đó, việc tăng giá bán, tiết kiệm nguồn nguyên liệu và giảm hoạt động khuyến mại đã giúp Levi’s gia tăng lợi nhuận. Levi’s cho biết họ đã sẵn sàng điều chỉnh lại phần lớn chi phí sản phẩm trong nửa đầu năm 2022.
Levi’s cũng cho biết đang nỗ lực tăng cường hoạt động bán buôn với việc đầu tư vào mối quan hệ với các đối tác chính, chẳng hạn như với chuỗi cửa hàng bách hóa Nordstrom. Doanh thu bán buôn trong quý vừa qua đã tăng 167% so với cùng kỳ năm trước trong khi doanh thu trực tuyến toàn cầu tăng 75% so với cùng kỳ năm trước, chiếm khoảng 23% tổng doanh thu của Levi’s. Hãng này dự kiến doanh số bán hàng trong quý III của tài khóa hiện nay sẽ trở lại mức cao hơn trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Theo các nhà phân tích, kỳ vọng công ty của Levi’s sẽ khả thi do ít đối mặt với áp lực nguồn cung hơn so với các công ty khác đang phụ thuộc vào nhà xưởng tại Việt Nam. Đại dịch Covid bùng phát tại Việt Nam với biến thể Delta khiến cho các nhà xưởng phải ngừng hoạt động do lệnh giãn cách, điều này đe dọa chuỗi cung ứng của các công ty thời trang như Nike và Adidas.
“Chúng tôi đã thực hiện các hành động định giá và tin rằng chúng tôi có quyền định giá để giảm thiểu áp lực lạm phát,” Giám đốc Tài chính Harmit Singh cho biết trong một tuyên bố. Công ty cho biết họ dự kiến tăng trưởng doanh thu thuần trong quý nghỉ lễ từ 20% đến 21% so với một năm trước đó, trong khi các nhà phân tích kỳ vọng mức tăng trưởng 22%.
Hiện 92% số cửa hàng của Levi's đã mở cửa trở lại. Giám đốc điều hành của Levi Strauss, ông Chip Bergh cho biết hãng đang mở rộng thêm không gian giữa bối cảnh các tỷ lệ trống ở các vị trí cho thuê thương mại tăng cao. Theo đó, Levi’s muốn bổ sung thêm 40 cửa hàng bán hàng chất lượng cao và thời trang và 200 cửa hàng bán hàng tồn kho, hàng giảm giá ở Mỹ, nhằm tăng cường hoạt động bán hàng trực tiếp tới khách hàng.
Theo số liệu từ Moody's Analytics, tỷ lệ trống tại các trung tâm thương mại ở Mỹ trong quý I/2021 đã tăng lên mức cao kỷ lục 11,4% từ mức 10,5% trong quý IV/2020. CEO Bergh cho biết “đây là cơ hội để Levi’s có được những vị trí tuyệt vời với giá thuế tốt và hãng đang tận dụng điều đó”.
Trước đó vào tháng Hai, Levi’s cho biết doanh thu bán hàng trực tiếp tới khách hàng chiếm tới khoảng 40% tổng doanh thu của Levi’s trong năm ngoái. Và Levi’s muốn doanh thu từ bán hàng trực tiếp tới khách hàng trong năm nay sẽ đóng góp tới 60% tổng doanh thu của hãng.
Ngoài ra, Giám đốc Bergh cho biết thêm rằng một phần của việc triển khai mở thêm các cửa hàng mới với tên gọi NextGen Stores. Các cửa hàng NextGen Stores sẽ được thiết kế nhỏ hơn, chỉ với diện tích khoảng 2.500 feet vuông (khoảng 232 m2) và được trang bị máy móc để giúp kiểm kê hàng tồn kho.
Ông Bergh nhận định chiến lược tương tác trực tiếp tới khách hàng sẽ là hướng đi trong tương lai của Levi’s. Chiến lược hướng đến người tiêu dùng của Levi’s bao gồm các cửa hàng, bán hàng trực tuyến và các cửa hàng bách hóa kết hợp với đối tác.