April 01, 2024 | 08:43 GMT+7

Cuộc thử nghiệm lãi suất âm của thế giới kết thúc

An Huy -

Việc Nhật Bản chấm dứt chính sách lãi suất âm đã chính thức khép lại cuộc thử nghiệm lãi suất âm của các ngân hàng trung ương trên thế giới...

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo - Ảnh: Bloomberg.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo - Ảnh: Bloomberg.

Ngày 19/3/2024, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã có đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm, đưa lãi suất trở lại trạng thái dương sau 8 năm duy trì lãi suất âm. Động thái này không chỉ là một bước ngoặt chính sách tiền tệ của Nhật Bản, mà còn chính thức khép lại cuộc thử nghiệm lãi suất âm của các ngân hàng trung ương trên thế giới. 

Trong một động thái đã được giới truyền thông và thị trường tài chính dự báo, Thống đốc Kazuo Ueda của BOJ công bố nâng lãi suất ngắn hạn từ -0,1% lên khoảng 0 - 0,1%. Cùng với đó, chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) nhằm giữ lãi suất dài hạn - tức lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm - quanh ngưỡng 0% cũng được dỡ bỏ.

VÌ SAO LÃI SUẤT ÂM ĐƯỢC ÁP DỤNG?

Hành động được đánh giá là quyết đoán của ông Ueda đánh dấu một bước đi quan trọng của BOJ trong việc bình thường hóa chính sách tiền tệ sau hàng thập kỷ theo đuổi chính sách siêu lỏng lẻo để kích thích lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình theo đuổi chính sách đó, BOJ đã mua vào một lượng trái phiếu khổng lồ, đưa giá trị bảng cân đối kế toán lên mức tương đương 127% tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm của Nhật Bản. Việc nới lỏng định lượng này cùng với lãi suất âm đã khiến đồng Yên suy yếu và tránh cho đất nước Mặt trời mọc chìm sâu hơn vào giảm phát. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hai sự kiện tiêu cực là đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine mới giữ vai trò những cú huých quan trọng trong việc đưa tốc độ lạm phát hàng năm của Nhật Bản vượt 2% và duy trì trên mức này.

Đối với thế giới, động thái nâng lãi suất của Nhật Bản đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên lãi suất âm - một phương pháp chính sách tiền tệ quyết liệt trong cuộc chiến chống lại tình trạng trượt dốc của giá cả hồi thập niên 2010. Ngoài BOJ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một số ngân hàng trung ương khác ở châu Âu cũng áp dụng lãi suất âm. Trong những năm qua, đã có nhiều tranh cãi quanh việc liệu những lợi ích mà lãi suất âm mang lại có xứng đáng với sức ép mà chính sách này đã gây ra đối với các ngân hàng, người gửi tiền và các loại tài sản thu nhập cố định như trái phiếu. Trong trường hợp Nhật Bản, giới chuyên gia kinh tế cũng đưa ra những đánh giá trái chiều.

“Lãi suất âm thực ra chẳng có tác dụng gì trong việc kích thích lạm phát. Trên thực tế, lạm phát ở Nhật Bản được thúc đẩy bởi áp lực giá cả đến từ bên ngoài”, ông Kazuo Momma, một cựu quan chức BOJ, nhận định với hãng tin Bloomberg.

Lãi suất âm được áp dụng đầu tiên ở Đan Mạch, tiếp đó đến Thụy Sỹ, Thụy Điển và Khu vực đồng Euro (Eurozone). Mỗi ngân hàng trung ương trong số này có một động cơ khác nhau để thử nghiệm chính sách lãi suất âm chưa từng có tiền lệ. Trong trường hợp của Thụy Sỹ, động cơ là ngăn những dòng vốn khổng lồ đổ vào đồng Franc, còn trong trường hợp của ECB là thúc đẩy sự gia tăng của giá cả sau cuộc khủng hoảng nợ công khu vực.

Đối với Nhật Bản, sau hơn một thập kỷ giảm phát, BOJ đưa lãi suất về vùng âm vào năm 2016. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thống đốc BOJ, khi đó là ông Haruhiko Kuroda, công khai phủ nhận việc BOJ đang cân nhắc lãi suất âm.

Giáo sư Hiroshi Yoshikawa thuộc Đại học Tokyo, cho rằng việc đưa ra lãi suất âm đã có ảnh hưởng rất mạnh mẽ. “Mọi người cảm thấy sốc và nhận ra nền kinh tế Nhật Bản ở trong tình trạng tồi tệ như thế nào”, ông Yoshikawa nhớ lại.

Tại thời điểm đó, ông Kuroda nói lãi suất có thể giảm sâu hơn trong vùng âm nếu cần thiết. Tuy nhiên, do sự phản đối của dư luận - bao gồm từ các ngân hàng chứng kiến tỷ suất lợi nhuận bị lãi suất âm bóp nghẹt, cũng như các quỹ lương hưu và công ty bảo hiểm phải đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo mức lợi tức cần thiết - BOJ đã không giảm lãi suất sâu thêm. Sáu tháng sau khởi đầu chông gai đó, BOJ bắt đầu tìm cách kiểm soát lợi suất trái phiếu dài hạn song song với việc duy trì lãi suất ngắn hạn ở trạng thái âm.

NHẬN ĐỊNH VỀ TÁC DỤNG CỦA LÃI SUẤT ÂM

Ở mức đỉnh điểm vào cuối năm 2020, tổng lượng trái phiếu có lợi suất âm trên toàn cầu dạt 18,4 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu của Bloomberg. Sau đó, lạm phát bắt đầu leo thang và các ngân hàng trung ương ở châu Âu phải rút khỏi trạng thái lãi suất âm. Tháng 9/2022, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ  (SNB) đưa lãi suất về ngưỡng dương, khiến BOJ trở thành ngân hàng trung ương cuối cùng trên thế giới có lãi suất âm.

Đến hiện tại, các đánh giá về hiệu quả của lãi suất âm là không đồng nhất. ECB cho rằng lãi suất âm đã mang lại thành công. Các nhà kinh tế học của ECB đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy lãi suất âm hỗ trợ hoạt động cho vay của các ngân hàng, cải thiện sự truyền dẫn của chính sách tiền tệ vào hệ thống tài chính, kích thích nền kinh tế và kéo lạm phát tăng.

Thống đốc SNB Thomas Jordan năm ngoái còn ca ngợi mạnh mẽ hơn, nói rằng lãi suất âm là một chính sách “đáng đồng tiền bát gạo” và sẽ được triển khai lại trong trường hợp cần thiết. Ngược lại, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) chấm dứt lãi suất âm vào năm 2019 trên cơ sở cho rằng ảnh hưởng bất lợi của chính sách này đối với hệ thống tài chính là lớn hơn so với hiệu ứng tích cực.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa bao giờ hạ lãi suất xuống dưới 0. Lãi suất quỹ liên bang của Fed hạ về đáy là mức 0-0,25% vào tháng 3/2020, thời điểm Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu. Trong một nghiên cứu công bố vào tháng 9/2023, các nhà kinh tế của Fed nhận định lãi suất âm có thể có ích trong ngắn hạn nhưng có thể “phản tác dụng nếu áp dụng lâu dài”.

“Điều quan trọng nhất chúng tôi rút ra được từ lãi suất âm là tác dụng cực kỳ hạn chế”, chuyên gia cấp cao Joseph Gagon của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, một người từng làm việc tại Fed, phát biểu.

Theo nghiên cứu trên của Fed, lãi suất âm có thể hữu ích trong việc làm suy yếu tỷ giá đồng tiền - một mục tiêu của SNB và Ngân hàng Trung ương Đan Mạch (Danmarks Nationalbank). Thực tế cho thấy trong hai năm qua, khi lãi suất ở Mỹ tăng dồn dập, tỷ giá đồng Yên Nhật so với đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất ba thập kỷ. Điều này gây áp lực lên các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản do chi phí nhập khẩu tăng cao, nhưng mặt khác cũng giúp lợi nhuận của doanh nghiệp nói chung ở nước này tăng lên mức kỷ lục.

Lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao là một động lực đưa chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản lập kỷ lục mới lần đầu tiên kể từ năm 1989 vào năm nay. Cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu sự tăng điểm này nhờ đặt cược rằng việc BOJ dịch chuyển khỏi lãi suất âm sẽ giúp các nhà băng cải thiện lợi nhuận.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản sẽ đối mặt thách thức lớn khi lãi suất tăng trở lại. Nước này là quốc gia có tỷ lệ nợ công so với GDP lớn nhất thế giới, ở mức 255%. Khi lãi suất tăng, Chính phủ Nhật Bản sẽ phải trả lãi cao hơn khi vay nợ. Trong khi đó, lời hứa của Thủ tướng Fumio Kishida về tăng chi tiêu cho chăm sóc trẻ nhỏ và quốc phòng phụ thuộc nhiều vào việc vay nợ với lãi suất thấp để trang trải. Đây là một lý do để nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng dù không còn lãi suất âm, BOJ sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp trong một thời gian dài đáng kể.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate