January 09, 2012 | 16:34 GMT+7

“Cuối 2012, bất động sản sẽ khởi sắc”

Huyền Ngân

“Chúng ta có cơ sở tin tưởng, vào quý 4/2012, thị trường bất động sản có thể sẽ ấm lên và khởi sắc”

2012 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn về nguồn vốn đối với các doanh nghiệp bất động sản.
2012 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn về nguồn vốn đối với các doanh nghiệp bất động sản.
“Chúng ta có cơ sở tin tưởng, vào quý 4/2012, thị trường bất động sản có thể sẽ ấm lên và khởi sắc”, ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhìn nhận.

Điểm lại những yếu tố ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường bất động sản 2011, theo ông những vấn đề gì là then chốt?

2011 là một năm đầy khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, trên góc nhìn về nguồn vốn. Khó khăn tiếp cận nguồn vốn đồng thời lãi suất cao cùng đồng thời và kéo dài, đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó khăn chưa từng có.

Với cùng lúc hai áp lực trên, các doanh nghiệp bất động sản đã tìm nhiều giải pháp để thay đổi chiến lược kinh doanh, các giải pháp bán hàng, tìm kiếm các nguồn vốn mới... Đặc biệt việc bán hàng với nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá... để thu hút các nguồn vốn trực tiếp từ khách hàng.

Đến tháng 9/2011, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc kiểm soát trần lãi suất huy động tiền đồng 14%/năm. Đây là nền tảng để hạ lãi suất cho vay dần xuống dưới 20%/năm. Tiếp đó công văn số 8844/NHNN-CSTT ngày 14/11/2011 của Ngân hàng Nhà nước, đã đưa 4 nhóm tín dụng thuộc bất động sản ra khỏi “rổ” phi sản xuất.

Đặc biệt ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 2196/CT-TTg về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản, căn cứ trên các đề xuất của Bộ Xây dựng. Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư các dự án phát triển nhà ở, đầu tư kinh doanh bất động sản. Đồng thời, chỉ thị đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ về nguồn vốn cho thị trường bất động sản trong năm 2012, bao gồm cả vốn tín dụng từ ngân hàng và phi tín dụng ngân hàng.

Các tín hiệu này là cơ sở để các doanh nghiệp có niềm tin vào thị trường trong năm tới 2012.

Vậy, ông dự báo thế nào về thị trường bất động sản trong năm tới?

2012 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn về nguồn vốn đối với các doanh nghiệp bất động sản. Về kinh tế vĩ mô, dự báo của ADB, tăng trưởng GDP Việt Nam dự kiến là 6% và  chỉ số tiêu dùng CPI được kiểm soát khoảng 10% cho năm 2012.

Các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục thiếu hụt nguồn vốn và tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các đối tác khu vực châu Á, nhất là Đông Nam Á. Dự báo hết 2011 tăng trưởng tín dụng là 12% và M2 là 10%. Như vậy chúng ta có cơ sở để tin tưởng lạm phát sẽ được kiểm soát tốt trong 2012 và mức tăng trưởng tín dụng có thể lại được tăng.

Một yếu tố tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và  thị trường bất động sản nói riêng, đó là kiều hối dự báo cho toàn 2011 khoảng 9 tỷ USD cho cả năm. Trong đó có một tỷ trọng luôn dành cho thị trường bất động sản. Với đà tăng trưởng này, dự báo năm 2012, kiều hối vẫn là một nguồn bổ sung tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Với chủ trương tại Chỉ thị 2196/CT-TTg liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó đặc biệt Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện việc nới lỏng tín dụng cho thị trường bất động sản một cách phù hợp, đồng thời các cơ hội trong 2012 như phân tích trên được thực hiện, thì chúng ta có cơ sở tin tưởng, vào quý 4/2012, thị trường bất động sản có thể sẽ ấm lên và khởi sắc.

Đâu là phân khúc thị trường sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong năm tới, theo ông?

Theo thống kê, trong 35.000 căn hộ tại Tp.HCM đã hoàn thành trước 2011, có  37% cao cấp, 28% trung bình, nhưng chỉ có 25% bình dân.

Tại thị trường nhà ở căn hộ tại Hà Nội, chủ yếu là loại lớn trên 100 m2/căn. Trong số 12.000 căn hộ chào bán trong 6 tháng đầu 2011, 40% là cao cấp, có giá trên 30 triệu đồng/m2.

Vì thế thị trường căn hộ đang để ngỏ một khoảng trống của thị trường ngách đối với căn hộ để bán thuộc phân khúc bình dân với giá bán dưới 12 triệu đồng/m2 tại Tp.HCM và dưới 25 triệu đồng/m2 tại HN, cho căn hộ nhỏ dưới 70 m2. Đây là loại căn hộ mà thị trường đang có nhu cầu và là cơ hội cho 2012 tại Tp.HCM và HN.

Trong bối cảnh khó khăn vừa qua, xu hướng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và chuyển nhượng dự án diễn ra khá phổ biến. Tình trạng này có còn tiếp diễn trong thời gian tới?

Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng tổng giá trị giao dịch trên thị trường mua bán chuyển nhượng (M&A) đã tăng rất nhanh.

Theo thống kê, năm 2008 tổng giá trị  các thương vụ M&A khoảng 1,12 tỷ USD thì 2009 là 1,14 tỷ USD, 2010 là 1,75 tỷ USD và 9 tháng đầu năm 2011 là 2,67 tỷ USD. Trong đó bất động sản và các ngành dịch vụ liên quan đến bất động sản như giải trí, du lịch... chiếm gần 24%. Các nhà đầu tư chủ yếu thuộc khu vực châu Á.

Tại thời điểm này, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt như kiểm toán đều các năm, cơ cấu sở hữu rõ ràng, các dự án của doanh nghiệp chặt chẽ về pháp lý, có phân tích đầu tư... và sẵn sàng đàm phán trên cơ sở cùng có lợi.

Bên cạnh đó, các đề án mới về các nguồn vốn phi ngân hàng như mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư bất động sản... sẽ là cơ sở để cung cấp những nguồn vốn mới, lành mạnh nhằm ổn định thị trường bất động sản trong trung và dài hạn.

Tôi cho rằng đây cũng chính là các cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, kết nối từ quốc tế với thị trường tài chính bất động sản còn rất tiềm năng ở Việt Nam trong năm 2012.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate