Các đồng phạm gồm Lê Thị Hằng (SN 1963, cựu Tổng giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo), Bùi Thị Oanh (SN 1956, ở quận Hoàng Mai), Phạm Văn Lực (SN 1978, ở Hải Dương), Nhâm Sỹ Phúc (SN 1967, ở Thái Bình), Phan Thị Thoa (SN 1989, ở Thái Bình).
Trong vụ án này, bị can Lê Thị Hằng đã chết vào ngày 9/6/2021 vì bệnh lý. Do đó, Viện KSND tối cao quyết định rút phần truy tố với người này về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cả 5 bị cáo còn lại bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
TẠO VỎ BỌC ĐỂ LỪA ĐẢO HÀNG TRĂM NGƯỜI
Theo cáo trạng, Trung tâm hỗ trợ người nghèo được thành lập từ năm 2013 nhưng hoạt động không hiệu quả. Từ tháng 4/2015, Trần Đức Chung tổ chức triển khai chương trình “Trái tim Việt Nam”. Để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia, Trần Đức Chung và các đồng phạm đưa ra 2 chính sách hỗ trợ với lợi nhuận “khủng” từ 437,5% - 814% theo từng giai đoạn.
Những người tham gia chương trình này sẽ được kích hoạt tài khoản cá nhân (ID) và được nhận sản phẩm hỗ trợ là thực phẩm chức năng, phân vi sinh hoặc sách báo trị giá 150.000 đồng, người giới thiệu được nhận 500.000 đồng. Các bị cáo đăng tải thông tin trên website “hotronguoingheo.vn” và in thành tờ rơi để tuyên truyền. Nhằm “qua mặt” cơ quan chức năng, Trần Đức Chung và đồng phạm yêu cầu bị hại phải ký đơn tự nguyện.
Ngoài ra, để tuyên truyền, quảng bá cho chương trình, Trần Đức Chung và Lê Thị Hằng đã soạn thảo các tâm thư, xin chữ ký của các vị lãnh đạo, những người uy tín trong xã hội. Tuy nhiên, nội dung các bị cáo đưa ra chỉ nêu mục đích tốt đẹp của chương trình mà “lờ tịt” việc những người nghèo phải nộp tiền để trở thành thành viên. Như vậy, nguồn tiền để chi trả hầu hết là lấy của người tham gia sau để trả cho người tham gia trước.
Các bị cáo sử dụng các bức thư kêu gọi ủng hộ trung tâm để tuyên truyền, tạo uy tín, làm cho người dân tin tưởng đây là chính sách của Đảng, Nhà nước và nộp tiền tham gia.
Bên cạnh đó, các bị cáo còn thường xuyên tuyên truyền tại các hội thảo với các thông tin gian dối như trung tâm có nguồn vốn rất lớn từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước, tổ chức từ thiện quốc tế tài trợ. Hoặc tài liệu thể hiện Lê Thị Hằng là giám đốc tài chính khu vực Châu Á, được tổ chức từ thiện quốc tế tài trợ 100 triệu USD…
Sau khi tạo dựng lớp “vỏ bọc”, các bị cáo thành lập 26 điểm tư vấn tại 16 tỉnh, thành phố trên cả nước để thu tiền của những người nghèo. Số tiền thu được nộp về trung tâm qua 3 tài khoản ngân hàng khoảng 148 tỷ đồng.
BỊ “VẠCH TRẦN” VẪN TIẾP TỤC PHẠM TỘI
Hồ sơ vụ án thể hiện, cuối tháng 11/2015, sau khi phương tiện đại chúng đưa tin hoạt động của trung tâm có dấu hiệu lừa đảo, tháng 12/2015, Hiệp hội đã có văn bản yêu cầu Trung tâm tạm dừng các hoạt động liên quan đến chương trình “Trái tim Việt Nam” sau đó tiếp tục giải thể trung tâm, yêu cầu Trần Đức Trung dừng mọi hoạt động chương trình trên.
Tuy nhiên, do cần tiền để hoàn vốn cho những người tham gia, Trần Đức Trung tổ chức chương trình “liên kết ba bên” hợp tác với CTCP Quốc tế Newstar để kinh doanh thực phẩm chức năng theo mô hình đa cấp. Thực chất chương trình này chưa được cơ quan chức năng cấp phép, thực tế vẫn là hoạt động huy động tiền của người tham gia, lấy tiền của người tham gia sau để trả tiền cho người tham gia trước. Chương trình không có sản phẩm và không có hoạt động kinh doanh.
Trần Đức Trung ban hành chính sách hoa hồng thành viên để lôi kéo nhiều người tham gia, thu số tiền hơn 17,4 tỷ đồng. Đến ngày 8/1/2016, các bị cáo đã rút hết tiền trong các tài khoản và đưa cho Trần Đức Trung. Bị cáo Trung sử dụng một phần số tiền này để trả cho các bị hại.
Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Trung là người chủ mưu, tổ chức và điều hành hoạt động của chương trình Trái tim Việt Nam và Liên kết ba bên trái pháp luật. Các bị cáo đã chiếm đoạt tổng số tiền 49,1 tỷ đồng. Trong đó bị cáo Trung chiếm đoạt cá nhân 26,3 tỷ đồng.
XÁC MINH TÀI SẢN ĐỂ THU HỒI TIỀN
Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an đã tiến hành xác minh tài sản của các bị cáo để xem xét kê biên, thu hồi để khắc phục hậu quả.
Kết quả xác định, năm 2017, Trần Đức Trung đã vay vốn Ngân hàng MTV Shinhan Việt Nam để vay 7 tỷ đồng mua căn nhà tại phố Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội. Tài sản thế chấp là căn nhà ở đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình.
Hiện nay khoản vay này đã quá hạn và không còn khả năng trả nợ. Ngân hàng làm thủ tục thanh lý tài sản thế chấp. Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị ngân hàng tạm thời phong tỏa số tiền còn dư sau khi thu hồi nợ.
Còn bị cáo Bùi Thị Oanh sử dụng 1,9 tỷ đồng tiền chiếm đoạt để mua căn hộ ở phường Phương Mai, quận Đống Đa và giao cho người khác ký hợp đồng mua bán, đứng tên sở hữu. Sau đó, người này thế chấp căn hộ trên để vay vốn Ngân hàng PGBank số tiền 1,5 tỷ đồng nên cơ quan điều tra không có căn cứ để kê biên tài sản này.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra tiến hành kê biên căn hộ của bị cáo Oanh tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai đồng thời thu giữ số tiền 10.800 USD.
Hiện bị cáo Phạm Văn Lực đã khắc phục 521 triệu đồng, Nhâm Sỹ Phúc nộp 881 triệu đồng, bị cáo Oanh nộp 2 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Trung yêu cầu đòi thay chủ tọa và từ chối luật sư bào chữa.
Sau khi hội ý, HĐXX chấp nhận để bị cáo tự bào chữa nhưng từ chối yêu cầu thay thẩm phán. Mặt khác, do vắng nhiều bị hại nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.