August 02, 2024 | 16:42 GMT+7

Cựu kế toán trưởng giả mạo chữ ký để tham ô tài sản

Đỗ Mến -

Để rút được tiền tại Kho bạc Nhà nước quận Ba Đình, Dũng gặp Phí Đức Lực (SN 1959) nhờ tìm nơi đổi séc lấy tiền mặt...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu đưa ra xét xử bị can Phạm Tiến Dũng (SN 1960, cựu Kế toán trưởng Công an quận Ba Đình, Hà Nội) về tội “Tham ô tài sản”.

Theo cáo trạng, từ năm 1989, Dũng được bổ nhiệm chức vụ Kế toán trưởng - Công an quận Ba Đình kiêm Đội phó Đội Hậu cần, chịu trách nhiệm về hoạt động tài chính kế toán của đơn vị. Từ năm 1994 đến cuối năm 1996, trong thời gian làm Kế toán trưởng Công an quận Ba Đình, do nợ nần nhiều, Dũng đã lợi dụng quyền hạn được giao để chiếm đoạt tiền của Công an quận Ba Đình.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 24/4/1995 đến ngày 7/12/1996, Dũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn dược giao, viết giả nội dung trên 12 ủy nhiệm chi kèm theo séc bảo chi với tổng số tiền là hơn 543 triệu đồng.

Dũng đã ký tên mình tại mục Kế toán trưởng và giả mạo chữ ký của đồng chí Lê Xuân Yên (khi đó là Phó trưởng Công an quận Ba Đình), Nguyễn Duy Hồng (khi đó là Trưởng Công an quận Ba Đình).

Để rút được số tiền trên tại Kho bạc Nhà nước quận Ba Đình, Dũng gặp Phí Đức Lực (SN 1959) nhờ tìm nơi đổi séc lấy tiền mặt.

Hai bên thỏa thuận, Lực cắt lại 1,2% trên số tiền rút. Lực liên hệ và nhờ Vũ Thị Liên (SN 1954) tìm người có tài khoản ngân hàng để chuyển séc rút tiền mặt. Liên sẽ hưởng 0,7% số tiền mỗi lần đổi séc. Liên đặt vấn đề nhờ số tài khoản ngân hàng của Nguyễn Văn Dũng (chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ tổng hợp tại số 2 Đặng Trần Côn) để rút tiền mặt và phải cắt phí 0,3%/lần rút tiền.

Ngoài ra, ngày 11/11/1995, Công an quận Ba Đình thu giữ 300 triệu đồng của Công ty ADC thuộc vụ án “Cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố. Ngày 13/11/1995, đồng chí công an thụ lý hồ sơ vụ việc đã làm thủ tục chuyển số tiền này vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước quận Ba Đình.

Do cần tiền để trả nợ, Dũng đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền tạm giữ của Công an quận Ba Đình gửi tại Kho bạc Nhà nước quận Ba Đình.

Để rút được tiền tạm giữ này, Dũng đã làm bộ hồ sơ giả văn bản đề nghị của Thủ trưởng đơn vị, các quyết định của Cơ quan pháp luật có thẩm quyền… rồi chỉ đạo Phạm Thị Diện (sinh năm 1959, khi đó là Thủ quỹ Công an quận Ba Đình) cùng Dũng đến Kho bạc Nhà nước quận Ba Đình để rút số tiền 300 triệu đồng trên.

Tại đây, Phạm Tiến Dũng là người trực tiếp làm thủ tục rút tiền, Diện là người ký nhận số tiền 300 triệu đồng mang về đơn vị.

Dũng và Diện không báo cáo lãnh đạo, không vào sổ quỹ đơn vị, không chuyển cho Đội điều tra tội phạm về kinh tế giải quyết, mà chiếm đoạt số tiền 300 triệu đồng để trả nợ và chi tiêu cá nhân.

Đến ngày 12/8/1996, khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có Công văn gửi Công an quận Ba Đình về việc xử lý vật chứng là số tiền 300 triệu đồng trong vụ án, thì sự việc mới được phát hiện.

Sau đó, Dũng bỏ trốn, bị Cơ quan điều tra ra lệnh truy nã. Tới ngày 20/12/2023, Dũng đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Quá trình điều tra, các bị can Phí Đức Lực, Vũ Thị Liên, Nguyễn Văn Dũng đã nộp hết số tiền hưởng lợi là hơn 6,5 triệu đồng. Còn lại số tiền hơn 836 triệu đồng, Phạm Tiến Dũng chiếm đoạt của Công an quận Ba Đình đến nay chưa khắc phục.

Do Phạm Tiến Dũng bỏ trốn nên 4 bị can Phí Đức Lực, Vũ Thị Liên, Nguyễn Văn Dũng và Phạm Thị Diện đã được Cơ quan tố tụng tạm đình chỉ điều tra bị can ở nội dung có liên quan đến Dũng. Đến nay, do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên 4 bị can nói trên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những nội dung này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate