Một giáo sư của quốc đảo Cyprus tuyên bố đã phát hiện một biến chủng của Covid-19 kết hợp hai biến chủng Delta và Omicron. Một nghiên cứu của Nam Phi nói giai đoạn căng thẳng của đại dịch có thể đã qua nhờ tốc độ lây nhanh của Omicron, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn kêu gọi thận trọng.
Trung Quốc vừa phát hiện những ca nhiễm Omicron đầu tiên trong cộng đồng, cho thấy chiến lược zero Covid (không Covid) của Bắc Kinh một lần nữa gặp thách thức.
Theo tin từ Bloomberg, giáo sư sinh học Leondios Kostrikis thuộc Đại học Cyprus là người cho biết đã phát hiện được biến chủng trên. “Hiện đang có những ca bệnh Covid cùng nhiễm biến chủng Omicron và Delta, và chúng tôi đã phát hiện ra một biến chủng mới kết hợp hai biến chủng này”, ông Kostrikis cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh Sigma TV.
Ông Kostrikis gọi biến chủng mới là “deltacron” do biến chủng mới có những nét đặc trưng về gen giống Omicron trong cấu trúc di truyền của Delta.
Vị giáo sư cùng các cộng sự của ông đã phát hiện 25 ca nhiễm cùng lúc hai biến chủng như vậy và phân tích thống kê cho thấy các ca nhiễm này có tỷ lệ cao hơn ở các bệnh nhân Covid phải nhập viện nếu so với ở các biện nhân Covid không phải nhập viện. Dữ liệu giải mã trình tự gen của 25 ca Deltacron này đã được gửi tới GISAID – cơ sở dữ liệu quốc tế theo dõi Covid-19 – vào hôm 7/1.
“Sắp tới, chúng ta sẽ biết biến chủng mới này có nguy hiểm hơn, dễ lây hơn, hay áp đảo biến chủng Delta và Omicron hay không”, ông Kostrikis nói. Tuy nhiên, quan điểm của vị giáo sư cho rằng biến chủng mới được phát hiện sẽ bị lấn át bởi Omciron, loại có tốc độ lây cực nhanh.
Một nghiên cứu mới từ Nam Phi, tâm điểm của làn sóng Omicron trên toàn cầu, cho thấy giai đoạn căng thẳng của đại dịch có thể đang đi đến hồi kết. Nghiên cứu được thực hiện trên các bệnh nhân Covid tại một bệnh viện lớn của Nam Phi phát hiện thấy rằng làn sóng lây nhiễm này diễn ra với “tốc độ chưa từng có tiền lệ” và gây ra tình trạng bệnh nhẹ hơn nhiều so với các biến chủng trước đây.
“Nếu xu hướng này tiếp tục và lặp lại trên toàn cầu, chúng ta có thể chứng kiến sự phân ly hoàn toàn của tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong”, cá nhà nghiên cứu của Nam Phi nhận định. Điều này có nghĩa là “Omicron có thể mở ra giai đoạn cuối của đại dịch, đưa Covid-19 trở thành một bệnh thường gặp”.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tiếp tục cảnh báo không nên xem biến chủng Omicron là nhẹ. “Omicron vẫn đang gây ra những ca nhập viện và tử vong”, ông Tedros nói.
Số liệu từ WHO cho thấy số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu trong tuần kết thúc vào ngày 2/1 đã tăng 71% so với tuần trước đó, trong khi số ca tử vong mới tăng 10%.
Giới chức WHO cho rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn nhiều so với con đố được báo cáo và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tuần tiếp theo.
Ông Tedros lặp lại lời kêu gọi các chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp đưa bình đẳng vaccine trở thành một ưu tiên để đạt mục tiêu của WHO đến giữa 2022 tiêm vaccine cho 70% dân số toàn cầu. “Các vaccine thế hệ đầu tiên có thể không ngăn chặn hoàn toàn được sự lây nhiễm, nhưng vẫn hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng”, người đứng đầu WHO nhấn mạnh và cho biết với tốc độ triển khai vaccine hiện nay, 109 quốc gia sẽ không thể đạt mục tiêu đến tháng 7 tiêm vaccine cho 70% dân số.
Theo tin từ Bloomberg, Trung Quốc đã phát hiện những ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên trong cộng đồng và ngay lập tức xét nghiệm nhanh toàn bộ dân số thành phố Thiên Tân. Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) trung Quốc đã xác định được 2 ca nhiễm ở Thiên tân là do biến chủng Omicron, đều nằm trong một chuỗi lây nhiễm trước đó. Trước 2 ca này, Trung Quốc đã phát hiện một số ca mắc Omicron nhưng đều là những ca nhập cảnh.
Trung Quốc, nước chủ nhà của Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng tới, giữ vững chiến lược zero Covid ngay cả khi số ca nhiễm tăng mạnh và các quốc gia khác đã chuyển sang sống chung với virus Sars-CoV2. Những đợt bùng dịch gần đây ở Trung Quốc, tuy nhỏ so với ở các nước khác, dường như chỉ càng khiến quyết tâm zero Covid của nước này càng mạnh hơn, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.