March 28, 2013 | 11:04 GMT+7

Cyprus thắt chặt an ninh ngày ngân hàng mở cửa

Thanh Hải

Cyprus đã huy động một lượng lớn cảnh sát và nhân viên an ninh để duy trì trật tự trong ngày tái mở cửa ngân hàng

Cảnh người dân Cyprus vật vã trước các máy ATM chờ rút được tiền ra khỏi ngân hàng đã xuất hiện nhiều ngày nay trên các báo lớn ở châu Âu - Ảnh: Getty.<br>
Cảnh người dân Cyprus vật vã trước các máy ATM chờ rút được tiền ra khỏi ngân hàng đã xuất hiện nhiều ngày nay trên các báo lớn ở châu Âu - Ảnh: Getty.<br>
Theo kế hoạch công bố hồi đầu tuần, các ngân hàng tại đảo quốc Cyprus sẽ chính thức mở cửa phục vụ khách hàng trở lại trong ngày hôm nay (28/3, giờ địa phương), sau khi đã đóng cửa trong gần 2 tuần vừa qua.

Hãng tin Bloomberg cho biết, các biện pháp quản lý vốn của Ngân hàng Trung ương Cyprus sẽ gồm việc tăng giới hạn lượng tiền rút mỗi ngày lên 300 Euro và ngăn chặn việc chuyển tài khoản ra nước ngoài. Dự kiến các ngân hàng sẽ mở cửa từ trưa (5h chiều nay, theo giờ Việt Nam) và đóng cửa vào lúc 6 giờ chiều, Yiangos Dimitriou, trưởng bộ phận kiểm toán của ngân hàng trung ương cho biết.

Để đảm bảo an ninh cho hệ thống ngân hàng khi mở cửa trở lại, Cyprus đã huy động một lượng lớn cảnh sát và nhân viên an ninh tham gia giữ gìn trật tự. G4S, công ty dịch vụ bảo vệ lớn nhất thế giới, được các ngân hàng Síp thuê đang phải làm việc suốt ngày đêm để chuẩn bị cho ngày 28/3. Các nhân viên của G4S cùng cảnh sát được huy động để áp tải tiền và bảo vệ các máy ATM được nạp tiền.

John Arghyrou, Giám đốc điều hành G4S chi nhánh Cyprus cho biết rằng, 750 nhân viên của công ty này liên tục phải làm việc thâu đêm cùng với các cảnh sát để nạp tiền cho các máy ATM trước giờ mở cửa trở lại.

Hệ thống ngân hàng của Cyprus đã đóng cửa ngừng hoạt động từ hôm 16/3, sau khi Liên minh châu Âu đưa ra điều kiện Cyprus phải đánh thuế tất cả các tài khoản tiền gửi trước khi nhận được gói cứu trợ trị giá 10 tỷ Euro. Đề xuất này đã gây ra những cuộc biểu tình lớn của người dân đảo quốc, cũng như những căng thẳng về chính trị ở Cyprus. Sau đó, Quốc hội Cyprus đã bác đề xuất này.

Vài phút trước khi tới hạn bị Ngân hàng Trung ương châu Âu phong bế nguồn thanh khoản khẩn cấp, hôm 25/3, Cyprus và các chủ nợ quốc tế đã đạt được một thỏa thuận mới với các điều kiện được xem là nhẹ hơn. Trong đó bao gồm việc đóng cửa vĩnh viễn ngân hàng Laiki, nhà băng lớn thứ hai của Cyprus. Dự kiến, hàng nghìn nhân viên của Laiki sẽ mất việc. Đây sẽ là một nguy cơ không nhỏ.

Theo thỏa thuận, các khoản tiền gửi dưới 100.000 Euro sẽ được đảm bảo theo luật tiền gửi, nhưng Cyprus sẽ đóng băng các khoản trên 100.000 Euro ở hai ngân hàng Bank of Cyprus và Laiki để trả nợ của Laiki và tiếp vốn cho Bank of Cyprus. Chính phủ Cyprus, Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ đàm phán về tỷ lệ phần trăm “tịch thu” được từ những tài khoản này, có thể lên tới 40%.

Cùng với đó, Chính phủ Cộng hòa Cyprus đã lập một cơ quan giám sát để điều hành việc tái cơ cấu Ngân hàng Cyprus (Bank of Cyprus, ngân hàng lớn nhất đảo quốc) sau khi tiếp nhận một phần tài sản từ ngân hàng Laiki. Hôm 26/3, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Cyprus Panicos Demetriades đã sa thải Tổng giám đốc Yiannis Kypri của Bank of Cyprus theo yêu cầu của “bộ ba” chủ nợ.

Chỉ riêng các tài khoản lớn ở Laiki sẽ giúp Cyprus có được 4,2 tỷ Euro. Giới chuyên gia nhận định đây sẽ là cú sốc lớn với các nhà đầu tư lớn tại Cyprus, đặc biệt là Nga. “Phản ứng của Nga sẽ rất phức tạp và các đối tác nước ngoài sẽ rất thất vọng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Cyprus Michalis Sarris thừa nhận. Theo thống kê, tiền gửi tại các ngân hàng ở Cyprus của nhà đầu tư Nga lên tới 30 tỷ Euro.

Thêm vào đó, mặc dù Cyprus đã lên “dây cót” cẩn thận cho đợt tái mở cửa hệ thống ngân hàng vào ngày hôm nay, nhưng theo giới phân tích, vẫn có thể có nhiều rủi ro. Những điều khoản mà Cyprus đã chấp thuận với các chủ nợ vẫn chưa có gì là chắc chắn cho tương lai “vượt lũ” của đảo quốc này. Đứng trước một bối cảnh nhiều rủi ro như vậy, nhiều người dân sẽ chọn phương án rút sạch tiền về nhà.

Một điều đáng lo hơn, là nếu hiện tượng người dân Cyprus ồ ạt rút tiền ra khỏi ngân hàng một lần nữa xảy ra, thì rất có khả năng người dân ở các quốc gia khác trong Khu vực đồng tiền chung cũng đang có vấn đề về nợ công, sẽ có phản ứng dây chuyền, nhất là khi Chủ tịch Eurogroup, nhóm tư vấn gồm các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng Euro, nói biện pháp cứu Cyprus có thể là một hình mẫu.

Sự lao dốc của thị trường chứng khoán châu Âu, tình trạng nháo nhác tại Phố Wall đêm qua đã cho thấy nhà đầu tư quốc tế đã sợ hãi như thế nào trước những tin đồn về khả năng một lượng vốn lớn trong hệ thống ngân hàng thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ bị rút ra, nếu như tình hình tại Cyprus trở xấu và người dân tại đảo quốc này lại đổ xô ra ngân hàng, cây ATM để rút tiền về nhà.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate