Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, đến nay có 59/63 tỉnh, thành đã thành lập, đưa vào hoạt động Văn phòng Đăng ký đất đai và đạt được nhiều hiệu quả tích cực.
Cụ thể, tại các địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, một số thủ tục hành chính đã được lồng ghép hoặc liên thông nên lượng thủ tục giảm so với những nơi chưa thành lập. Thủ tục hành chính về đất đai giảm từ 62 thủ tục xuống còn 41 thủ tục.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đúng quy định và giảm so với trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đạt 90- 95% so với quy định. Tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn cơ bản chấm dứt. Tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở một số địa phương đã tăng đáng kể.
Các Văn phòng Đăng ký đất đai đã chủ động xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính của địa phương, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; giảm thiểu hồ sơ lưu trữ theo phân cấp như trước đây từ 3 bộ xuống còn 1 bộ.
Để tránh áp lực lên bộ máy hành chính Nhà nước, tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, phù hợp với xu thế quản lý đất đai hiện đại của các nước trên thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận khi người sử dụng đất thực hiện quyền do các Văn phòng Đăng ký đất đai. Trong đó có các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở cấp huyện thực hiện trong trường hợp được Sở Tài nguyên và Môi trường ủy quyền theo quy định.
Đặc biệt, Nghị định 148 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai với nhiều nội dung mới đã góp phần giải quyết rất nhiều vướng mắc. Trong đó, quy định cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận là Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai.
Hiện có khoảng hơn 650 Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện.