Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin, năm 2023 tuyển 7.985 sinh viên năm 2023, trong đó ngành Kỹ thuật hóa học tuyển nhiều nhất.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh 63 chương trình đào tạo tăng 3 chương trình: Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano, Công nghệ vật liệu Polymer và Composit, Kỹ thuật sinh học. Ngành Kỹ thuật hóa học vẫn là ngành tuyển nhiều nhất với 520 chỉ tiêu, thấp hơn năm ngoái 80 em.
Trong khi đó, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế tuyển ít thí sinh nhất, tương tự những năm trước. Có hai chương trình chỉ tuyển 35 thí sinh, gồm Cơ khí hàng không (Chương trình Việt - Pháp PFIEV), Tin học công nghiệp và Tự động hóa (Chương trình Việt - Pháp PFIEV).
Kỳ tuyển sinh năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội sử dụng ba phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển tài năng, dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Với xét tuyển tài năng, trường xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level; kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.
Các thành tích ở thời phổ thông có thể đăng ký xét tuyển kết hợp phỏng vấn gồm: được chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/ thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Ngoại ngữ (lớp 10, 11, 12); tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; được vào vòng thi tháng, quý, năm Đường lên đỉnh Olympia.
Ngoài ra, học sinh hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ) của các trường THPT cũng được đăng ký xét tuyển theo phương thức này. Các thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương được đăng ký xét tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế - Quản lý.
Điều kiện dự tuyển là phải đạt điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và 12 từ 8 trở lên. Thí sinh được chọn tối đa hai nguyện vọng tương ứng với hai chương trình đào tạo theo phương thức này.
Ở phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường áp dụng cho một số chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29. Thí sinh phải có điểm trung bình chung 6 học kỳ mỗi môn học THPT trong tổ hợp đạt từ 7 trở lên (hoặc tổng điểm trung bình 6 học kỳ của 3 môn từ 42 trở lên).
Thí sinh có chứng chỉ IELTS, TOEFL iBT, TOEFL ITP, TOEIC 4 kỹ năng có mức điểm quy đổi tương đương IELTS 5.0 trở lên có thể sử dụng để quy đổi sang điểm tiếng Anh để xét tuyển các tổ hợp A01, D01, D07.
Phương thức cuối cùng là dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức. Kỳ thi năm nay dự kiến diễn ra 3 đợt vào tháng 5, 6, 7 tại một số địa điểm (Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Thái Nguyên...).
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội đổi mới kỳ thi đánh giá năng lực, thời gian làm bài thi giảm xuống còn 150 phút, hoàn toàn trắc nghiệm và thi trên máy tính. Các khối ngành sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học năm 2023 gồm: Khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng, y, dược, công nghiệp, nông nghiệp.
Năm học 2023-2024, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh hơn 5.800 chỉ tiêu tại 43 ngành đào tạo (giảm 5 ngành so với năm 2022).
Theo đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa ra 4 phương thức xét tuyển cho năm 2023.
Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển: Học viện xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển các nhóm đối tượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Học viện nhận vào học có điều kiện đối với những trường hợp dưới đây:
- Thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định hiện hành của Chính phủ hoặc thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ hoặc thí sinh có nơi thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo nơi thường trú) theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được nhận vào học các ngành thuộc nhóm ngành Nông nghiệp và Thủy sản và các nhóm ngành khác khi có học lực ít nhất 1 năm tại các trường THPT đạt loại Khá.
- Thí sinh là người nước ngoài có kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực Tiếng Việt (hoặc Tiếng Anh đối với các chương trình giảng dạy bằng Tiếng Anh) đáp ứng quy định hiện hành của Bộ trưởng GD-ĐT.
Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (theo quy định, lịch trình của Bộ GD-ĐT và theo Đề án tuyển sinh của Học viện).
Theo đó, điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi với thang điểm 10 theo tổ hợp xét tuyển cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định. Mức chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp là 0 điểm. Học viện sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 20223.
Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (Xét học bạ): Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cả năm lớp 11 (đối với xét tuyển đợt 1) hoặc lớp 12 (đối với xét tuyển đợt 2) theo thang điểm 10 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 21-23 điểm trở lên. Riêng nhóm ngành Sư phạm công nghệ, thí sinh đạt học lực năm lớp 12 xếp loại từ Giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT đạt từ 8 điểm trở lên.
Ngoài ra, Học viện cũng xét tuyển theo phương thức kết hợp.
Trong khi đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thông báo sẽ tiếp tục áp dụng 4 phương thức tuyển sinh, giữ ổn định như năm 2022.
Năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến tuyển sinh đào tạo 15 mã ngành (tăng 2 mã ngành so với năm 2022). Học viện cũng dự kiến tuyển sinh mới một số ngành, chương trình đào tạo như ngành Kinh tế số, ngành Truyền thông và quan hệ công chúng, chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin (hướng ứng dụng).
Ngoài ra, học viện sẽ bắt đầu tuyển sinh và đào tạo chương trình chất lượng cao ngành Marketing theo định hướng Marketing số (Digital Marketing) với khoảng 50 chỉ tiêu trong năm nay.
Thí sinh cần nắm vững các phương thức xét tuyển để lựa chọn phương án phù hợp với bản thân mình.