February 21, 2025 | 14:06 GMT+7

Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm hơn đến dạ dày

Mỹ An -

Hệ vi sinh đường ruột và dạ dày của chúng ta sẽ dần thay đổi ở độ tuổi 30, và dường như không có nhiều người để ý đến thông tin quan trọng này...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Cơ thể con người có khả năng thích nghi tuyệt vời, nhưng nó cũng ghi nhớ những gì chúng ta đã làm với nó trong suốt những năm 20 tuổi - và khi qua ngưỡng 30, những thói quen ăn uống thiếu khoa học có thể bắt đầu để lại hậu quả cho sức khoẻ chúng ta. Nếu trước đây, bạn thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn vào giờ giấc thất thường, thì đây chính là thời điểm để quan tâm hơn đến sức khỏe đường ruột.

“Đường ruột thay đổi đáng kể khi cơ thể bước vào tuổi 30 do sự biến đổi trong quá trình trao đổi chất, dao động hormone và các yếu tố liên quan đến lối sống,” bác sĩ Mangesh Keshavrao Borkar, một chuyên gia về tiêu hóa, cho biết. Một trong những thay đổi quan trọng khi cơ thể già đi là hệ tiêu hóa bắt đầu hoạt động chậm lại, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.

Sự suy giảm trong sản xuất axit dạ dày và enzym tiêu hóa khiến việc phân hủy một số thực phẩm - đặc biệt là các sản phẩm từ sữa và thực phẩm giàu chất béo - trở nên khó khăn hơn. Và khi đường ruột và hệ tiêu hoá bị ảnh hưởng, chúng kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn về sức khoẻ như các bệnh dạ dày, thường chỉ được nhận ra khi bệnh đã trở nặng.

XU HƯỚNG BỆNH DẠ DÀY NGÀY CÀNG TRẺ HOÁ

Năm 2025, Hiệp hội Ung thư Mỹ ước tính sẽ có khoảng 30.300 ca mắc mới ung thư dạ dày tại quốc gia này, trong đó 17.720 trường hợp là nam giới và 12.580 trường hợp là nữ giới. Đồng thời, số ca tử vong do ung thư dạ dày dự kiến vào khoảng 10.780 người, bao gồm 6.400 nam giới và 4.380 nữ giới. Ung thư dạ dày chiếm khoảng 1,5% tổng số ca ung thư được chẩn đoán mới mỗi năm tại Mỹ.

Điều đáng lo ngại là tại Việt Nam có tới 70% bệnh nhân ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, do bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với viêm dạ dày hoặc loét dạ dày. Đáng chú ý, tỷ lệ bệnh nhân ung thư dạ dày dưới 40 tuổi chiếm từ 20 - 25%, một con số đáng báo động và có xu hướng gia tăng.

Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm hơn đến dạ dày - Ảnh 1

Theo các bác sĩ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, stress và áp lực cuộc sống là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày mãn tính ở người trẻ, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. 

Đáng chú ý, ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày, đang có xu hướng trẻ hóa. Các bác sĩ đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ mới 20 tuổi, thậm chí dưới 10 tuổi.

Nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày có thể xuất phát từ chế độ ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng muối cao, ăn nhiều đồ ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, gây quá tải cho hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, việc lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, nhiễm vi khuẩn HP, yếu tố di truyền và tình trạng viêm loét dạ dày mãn tính do áp lực cuộc sống hiện đại cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Stress và áp lực cuộc sống là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày mãn tính
Stress và áp lực cuộc sống là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày mãn tính

“Nhiều người từng có khả năng dung nạp tốt thực phẩm chế biến sẵn, caffeine và rượu nhưng nay trở nên nhạy cảm hơn với những loại thực phẩm này”, bác sĩ Mangesh Keshavrao Borkar cảnh báo. Hệ quả là tình trạng đầy hơi và rối loạn tiêu hóa trở thành những vấn đề kéo dài, do niêm mạc ruột trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị viêm nhiễm.

Đáng chú ý, sự khác biệt giới tính cũng ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột. Chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng Ridhima Khamesra nhận định rằng phụ nữ có thể chịu tác động về bệnh dạ dày nhiều hơn nam giới.

“Nhìn chung, phụ nữ có xu hướng sản xuất ít axit hydrochloric và enzym tiêu hóa hơn. Điều này ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng”, bà giải thích.

CÁCH THÍCH NGHI VỚI SỰ THAY ĐỔI CỦA DẠ DÀY

Dù nhận thức về sức khỏe dạ dày có phần muộn màng, nhưng chưa bao giờ là quá muộn để bạn quyết tâm cải thiện sức khoẻ dạ dày của mình. Một trong những thay đổi quan trọng đầu tiên là điều chỉnh giờ ăn tối về 7 giờ, giúp dạ dày có đủ thời gian tiêu hóa trước khi đi ngủ. Việc duy trì thói quen ăn tối sớm không chỉ giúp giảm áp lực lên hệ tiêu hóa mà còn hạn chế những tác động tiêu cực của việc ăn uống muộn vào ban đêm.

Bên cạnh đó, thói quen mua sắm thực phẩm cũng nên có sự thay đổi. Các chuyên gia và bác sĩ khuyến nghị từ bỏ các loại đồ ăn vặt có hương vị nhân tạo, thay vào đó là các sản phẩm tốt cho hệ tiêu hóa như sữa chua, giúp làm dịu tình trạng trào ngược axit dạ dày. Những loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan, chẳng hạn như yến mạch, chuối, táo và khoai lang, cũng nên được bổ sung vào chế độ ăn để giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và giảm nguy cơ viêm loét.

Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm hơn đến dạ dày - Ảnh 2

Đặc biệt, gừng và nghệ - hai nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực - nên được sử dụng thường xuyên hơn nhờ tác dụng kháng viêm và hỗ trợ tiêu hóa. Việc loại bỏ đồ ăn cay nóng, thực phẩm chiên rán, cà phê và rượu bia cũng trở thành một nguyên tắc quan trọng trong thói quen mua sắm thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe dạ dày. 

Đối với những ai tìm kiếm một phương pháp khoa học hơn để giải quyết các vấn đề về đường ruột, chuyên gia dinh dưỡng Ridhima Khamesra khuyến nghị áp dụng quy tắc phân chia khẩu phần theo mô hình đồng hồ. Bà giải thích: “Một nửa đĩa thức ăn nên bao gồm rau củ và trái cây, một phần tư là protein, và phần còn lại là tinh bột hoặc ngũ cốc nguyên hạt”.

Bên cạnh việc đảm bảo chế độ ăn cân bằng, bác sĩ Mangesh Keshavrao Borkar cũng khuyến nghị nên bổ sung thực phẩm lên men - chẳng hạn như sữa chua - vào bữa ăn hàng ngày nhằm tăng cường hệ vi sinh đường ruột và cải thiện sức khỏe tiêu hóa.

Để chuẩn bị sức khoẻ cho cơ thể, đặc biệt là dạ dày từ nay về sau, cách tốt nhất là xây dựng các thói quen lành mạnh lâu dài, giúp cải thiện sức khỏe đường ruột, tăng cường trao đổi chất và nâng cao thể trạng tổng thể.

Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm hơn đến dạ dày - Ảnh 3

Để giảm thiểu tình trạng suy giảm chức năng tiêu hóa do tuổi tác, bác sĩ Borkar khuyến nghị nên tập trung vào một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, bao gồm thực phẩm nhiều chất xơ, protein nạc và chất béo lành mạnh.Bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chẳng hạn như rau lá xanh, hạnh nhân và quả mọng, giúp ngăn ngừa căng thẳng oxy hóa và giảm viêm.

Bác sĩ nhấn mạnh: “Dù duy trì đủ nước rất quan trọng, nhưng cũng cần hạn chế tiêu thụ quá mức cà phê, rượu và thực phẩm chế biến sẵn để tránh kích ứng và viêm nhiễm trong đường ruột”.

Những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống và sinh hoạt có thể mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe đường ruột về lâu dài. Hiểu rõ cơ thể mình và chủ động điều chỉnh lối sống là chìa khóa giúp duy trì hệ tiêu hóa và dạ dày khỏe mạnh, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống ở mọi độ tuổi.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate