November 04, 2020 | 07:26 GMT+7

Đã đến lúc để minh bạch xếp hạng ngân hàng

Đào Hưng

Không công bố kết quả xếp hạng các ngân hàng tại Việt Nam có thể là bước đi thận trọng cần thiết, song đã đến lúc để thay đổi

Chuyên gia tài chính TS.Nguyễn Trí Hiếu.
Chuyên gia tài chính TS.Nguyễn Trí Hiếu.

Vì nền kinh tế chưa thể hoàn toàn hồi phục nên cho dù lãi suất đang ở mức thấp nhưng gửi tiền ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn cho nhiều doanh nghiệp và người dân.

Trong khi đó, một quy định rất đáng chú ý tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN có hiệu lực ngày 1/4/2019 là quản lý kết quả xếp hạng. Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp kết quả xếp hạng cho bên thứ ba dưới bất kỳ hình thức nào.

Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước khác thuộc đối tượng được cung cấp kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 thông tư này phải thực hiện lưu trữ và sử dụng kết quả xếp hạng theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng.

Vậy làm cách nào để doanh nghiệp và người dân có thể an âm với sức khỏe ngân hàng mình chọn lựa? Xung quanh câu chuyện này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính TS.Nguyễn Trí Hiếu.

Theo ông, lý do nào khiến việc xếp hạng các ngân hàng không thể công khai trên phương tiện đại chúng?

Việc xếp hạng cho các ngân hàng thuộc về diện quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Hiện có 5 mức xếp hạng gồm A (tốt), B (khá), C (trung bình), D (yếu), E (yếu kém).

Dựa trên xếp hạng này thì nhà điều hành sẽ có các biện pháp khác nhau từ mạnh cho tới yếu nhằm ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ của từng ngân hàng cũng như rủi ro lan truyền toàn hệ thống.

Cũng chính vì việc xếp hạng chỉ phục vụ quản lý, không phải phục vụ cho khách hàng hay các thành phần kinh tế nên sẽ mang tính chất bảo mật cao.

Cho nên, xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng phục vụ công chúng cần dành cho công ty xếp hạng tín nhiệm. Việt Nam đã có 2 công ty hoạt động trong lĩnh vực này gồm Sài Gòn Phatthinh Rating và FiinGroup.

Như vậy, ông đồng ý với việc không công khai minh bạch việc xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước?

Tôi đồng ý việc xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước chỉ dùng cho nội bộ. Tuy nhiên, với các ngân hàng mà quá yếu kém thì phải công khai.

Ở Mỹ, nếu ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn từ 8% đến 5% họ chỉ cảnh báo. Nhưng từ 5% xuống đến 3% họ sẽ phát hành một lệnh ngừng hoạt động. Dưới lệnh đó, cơ quan quản lý có thể đóng cửa ngân hàng bất cứ lúc nào.

Việt Nam mình cũng cần có một cơ chế cảnh báo như vậy. Thời gian trước, Ngân hàng Nhà nước đưa thanh tra vào để kiểm soát toàn diện 3 ngân hàng, sau 2 năm với một loạt các cuộc họp đại hội cổ động thì mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng. Tuy nhiên, trước đó, rất ít người biết các ngân hàng này bị rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt. Thành ra với quần chúng không hề có bất kỳ cảnh báo nào.

Theo tôi, với việc hoạt động của hệ thống đã có nhiều bước cải thiện đáng kể về cả quy mô lẫn năng lực quản trị thì đây là thời điểm thích hợp để trám lỗ hổng, phải minh bạch hệ thống quản lý.

Ví dụ, ngân hàng nào có tỷ lệ an toàn vốn xuống dưới 3% thì Ngân hàng Nhà nước có một lệnh ngừng hoạt động. Và việc cảnh báo cũng như phát lệnh có thể công bố trên các phương tiện truyền thông để người dân đề phòng.

Theo ông, nếu Ngân hàng Nhà nước với nguyên nhân khách quan như Covid-19 nên chưa thể minh bạch xếp hạng thì Việt Nam cần phải làm gì?

Trong Covid-19, rất nhiều các tổ chức tín dụng, những chế định tài chính gặp khó khăn. Không loại trừ khả năng có những ngân hàng suy sụp một cách trầm trọng.

Nếu Ngân hàng Nhà nước công không bố thì Việt Nam phải thêm các công ty xếp hạng tín nhiệm. Như tôi đã nói hiện mới có 2 công ty. Tôi nghĩ, đến năm sau, nhóm công ty này sẽ phát triển một cách mạnh mẽ hơn.

Ở Mỹ có một số công ty sẽ miễn phí nhưng ở Việt Nam mình sẽ phải mua.Và như thế, các ngân hàng được đánh giá khách quan và độc lập. Với 2 công ty đang có cũng đang dùng các chuẩn mực quốc tế để đánh giá.

Có ý kiến cho rằng, kiểm toán cũng là một hệ thống đánh giá đối với sức khỏe ngành ngân hàng. Ông nhìn nhận quan điểm này như thế nào?

Hoạt động kiểm toán là để xem các ngân hàng có vi phạm quy định của Nhà nước hay không. Hoạt động này không thể nói nên sức khoẻ của ngân hàng.

Bởi lẽ, một ngân hàng tuân thủ tất cả các loại quy định nhưng họ rất yếu kém. Tuy nhiên, có ngân hàng có thể có nhiều sai phạm nhưng họ lại mang sức khỏe tài chính tốt.

Hiểu đơn giản, kiểm toán chỉ đo lường và so sánh các con số về hoạt động ngân hàng xem có đúng với chuẩn mực kế toán không, còn xếp hạng tín nhiệm là kiểm tra sức khoẻ ngân hàng thực sự và ra kết luận dựa trên những căn cứ thu thập được.

Tôi đã đề xuất nhiều lần rằng, nên đánh giá theo tiêu chuẩn CAMELS gồm tiêu chí Capital adequacy (mức độ an toàn vốn); Asset quality (chất lượng tài sản); Management (quản trị điều hành), Earnings (kết quả hoạt động kinh doanh); Liquidity (khả năng thanh toán); Sensitivity (mức độ nhảy cảm đối với rủi ro thị trường). Dường như Ngân hàng Nhà nước đang theo tiêu chuẩn này để đánh giá các ngân hàng.

Dù sao báo cáo tài chính đặc biệt báo cáo tài chính đã được kiểm toán cũng là một công cụ để đánh giá ngân hàng. Qua đó, ông đánh giá như thế nào về sức khỏe ngân hàng trong thời gian gần đây?

Thông tư hồi đầu năm của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng không chuyển, duy trì nhóm nợ. Chính vì vậy chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng của ngân hàng đang không thể hiện đúng. Nhiều ngân hàng có nợ xấu nhưng chưa phải nâng nhóm nợ. Nợ trên báo cáo tài chính tốt đẹp hơn nhiều so với thực tế.

Vì vậy, báo cáo tài chính năm nay thể hiện không đầy đủ sức khoẻ của ngân hàng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate