Sự kiện được tổ chức tại 5 điểm cầu chính là: Hà Nội, Huế, Bình Dương, TP.HCM; trực tuyến quốc tế tại 2 điểm cầu Pháp và Hàn Quốc; đồng thời được phát trực tiếp trên hệ thống truyền thông như: Fanpage và Techfest247, Vietnam Startup TV, Metaverse... với các tham luận của nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về Đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ.
Đây là chuỗi chương trình hướng đến thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở tại Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ “Tổ chức các ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại các nước có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển trên thế giới”.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết sự kiện là một bước tiến trong việc thực hiện “Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng chính phủ phê duyệt (Đề án 884), góp phần kiến tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối quốc tế, liên kết mạng lưới các hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương điển hình như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương và TP.HCM... kiến tạo các điểm kết nối toàn cầu, mở ra cơ hội cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo mở quốc gia, làm cơ sở để tận dụng các cơ hội, xu thế, sức mạnh của thời đại để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là kinh tế tri thức”.
Hội nghị được chia thành 2 phiên. Trong đó, phiên chung là các tham luận của các chuyên gia đến từ năm điểm cầu trong nước về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, về hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, viện trường gắn liền với nhu cầu của Đổi mới sáng tạo mở và từ hai điểm cầu quốc tế về Kinh nghiệm phát triển cơ sở ươm tạo/ hệ sinh thái khởi nghiệp đã thực hiện tại Pháp - Bài học để phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Việt Nam; Tổng quan Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Hàn Quốc và những đề xuất cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Tại phiên chung cũng diễn ra tọa đàm Liên kết quốc gia, kết nối quốc tế với các diễn giả tại 5 điểm cầu và diễn giả quốc tế.
Tại điểm cầu Đại học Đông Á, Đà Nẵng, chương trình thu hút sự tham gia của Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng, các vườm ươm doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chuyên gia, nhà đầu tư cùng đông đảo các giảng viên và sinh viên tham gia hoạt động khởi nghiệp đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Phiên riêng tọa đàm trao đổi một số vấn đề phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng đã mang đến các tham luận đáng chú ý về hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố; Mô hình không gian đổi mới sáng tạo trong trường đại học; Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình và định hướng phát triển Vườn ươm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo,…
Phát biểu tại phiên tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng trường Đại học Đông Á, chia sẻ, một mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo giữa các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng là hết sức cần thiết và cần làm ngay để “cộng” thế mạnh của nhau, cùng nhau chia sẻ tài nguyên, hợp tác nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dự án từ sinh viên; lan tỏa và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong sinh viên.
Cũng tại chương trình đã diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong môi trường sinh viên giữa Vietnam Startup TV và Đại học Đông Á để hỗ trợ xây dựng và lan tỏa hình ảnh trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, hỗ trợ nguồn lực phục vụ mục tiêu chung phát triển về truyền thông, cùng xây dựng mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trong khuôn khổ sự kiện, không gian triển lãm khởi nghiệp với 16 gian hàng giới thiệu các sản phẩm, dự án khởi nghiệp của các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, của các cựu sinh viên và sinh viên Đại học Đông Á đã thu hút nhiều lượt người đam mê lĩnh vực nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến tham quan từ ngày 29-30/9/2022.