Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết để có thể theo dõi lượng mưa (theo thời gian thực) và mức ngập nước, người dân chỉ cần tải ứng dụng Danang Smart City bằng cách quét mã QR (tại Tổng đài 1022 của thành phố Đà Nẵng). Sau đó mở ứng dụng, tại trang chủ, mục Công dân số, chọn Phòng, chống thiên tai > chọn Theo dõi lượng mưa hoặc Mức mưa, ngập nước.
Với tiện ích Theo dõi lượng mưa, người dân có thể xem được lượng mưa đo (theo thời gian thực: tính từ 19h hôm trước đến thời điểm hiện tại) tại 31 trạm đo khác nhau với chú thích đầy đủ và được phân biệt theo các cấp độ màu sắc.
Để xem được biểu đồ chi tiết lượng mưa, người dân có thể tìm kiếm theo tên trạm đo và bấm vào tên trạm (có hình ảnh đồ họa thể hiện trên biểu đồ).
Để xem vị trí và thông tin tọa độ của các trạm đo, người dân chọn biểu tượng bản đồ, chọn trạm để xem thông tin tọa độ và lượng mưa.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, với Hệ thống bản đồ theo dõi mức mưa, ngập nước (theo thời gian thực từ mạng lưới IoT và do người dùng cung cấp), người dân có thể theo dõi lượng mưa (theo thời gian thực) tại 31 khu vực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (có so sánh với lượng mưa cao điểm lịch sử ngày 14/10/2022); theo dõi mức ngập nước (hiện tại) tại các vị trí, tuyến đường chính trên địa bàn thành phố; xem thông tin mức ngập nước cao điểm tại 279 vị trí (có tọa độ cụ thể) vào ngày 14/10/2022; Tìm kiếm, xem thông tin, vị trí nhà trú bão, lũ gần vị trí tìm kiếm (có dữ liệu của hơn 1.100 nhà trú bão, lũ trên toàn thành phố gồm địa chỉ, đường đi, sức chứa)…để chủ động ứng phó với mưa lụt.
Đặc biệt, Hệ thống bản đồ cho phép người dân gửi thông tin mức ngập nước hiện tại cũng như thông tin liên quan khi có mưa lớn lên Hệ thống để cung cấp cho chính quyền và công khai cho cộng đồng cùng biết.
Trong tình huống mưa bão, lũ, lụt nguy cấp, người dân có thể gửi yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp đến cơ quan chức năng thông qua ứng dụng này hoặc gọi trực tiếp đến các số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp của các quận, huyện.
Ngoài ra, ứng dụng Danang Smart City cũng thường xuyên cập nhật tình hình thiên tai, bão lũ và các hiện tượng thời tiết cực đoan qua các bản tin trên ứng dụng để người dân theo dõi thông tin và chủ động ứng phó với thời tiết hiện nay.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ rạng sáng ngày 24/9 đến ngày 27/9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 350mm… Đà Nãng sẽ là địa bàn tâm điểm của mưa lũ trong đợt áp thấp nhiệt đới này.
Việc chính quyền Đà Nẵng hướng dẫn người dân theo dõi lượng mưa (theo thời gian thực) và mức ngập nước, người dân bằng cách tải ứng dụng Danang Smart City là việc làm rất cần thiết nhằm giúp nhân dân thành phố chủ động phòng, chống hiệu quả với đợt áp thấp nhiệt đới lần này và trong cả các mùa mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.