UBND TP. Đà Nẵng cho biết, cơ quan này đang tích cực triển khai thực hiện hàng loạt cam kết với các doanh nghiệp tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp vào cuối tháng 9 vừa qua, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế.
8 CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, DOANH NGHIỆP VỮNG TIN HOẠT ĐỘNG
Ngoài các chính sách hỗ trợ chung của Chính phủ, thành phố đang khẩn trương triển khai 8 danh mục chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và người lao động.
Cụ thể, thành phố hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố; miễn, giảm tiền điện đợt 5 cho các đối tượng doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí xét nghiệm, tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động tuyển dụng mới.
Đáng chú ý, Đà Nẵng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ đầu tư Phát triển thành phố để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Xác định doanh nghiệp là “lực lượng tuyến đầu” trong phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố, vì vậy, ngay trong thời điểm dịch bệnh còn căng thẳng phải phong tỏa, cách ly y tế toàn thành phố, nhưng lãnh đạo TP. Đà Nẵng vẫn quyết định tổ chức đối thoại với hàng trăm doanh nghiệp bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cuối tháng 9 vừa qua.
Đồng thời, hỗ trợ phí hạ tầng cho các doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp; cho phép giãn tiến độ triển khai dự án do ảnh hưởng dịch Covid 19; điều chỉnh giảm hệ số đối với các thửa đất đặc biệt và triển khai Chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân.
Trước đó, tại diễn đàn, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố đã truyền đến cộng đồng doanh nghiệp thông điệp “thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Qua đó, giúp doanh nghiệp yên tâm, vững tin để duy trì sản xuất, kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn.
Thông qua đối thoại, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế trọng tâm, chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với sự phát triển của thành phố.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chú ý đến những chính sách hỗ trợ đối với nhiều thành phần kinh tế như doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể.
Trên cơ sở ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, thành phố đã tiếp thu, chắt lọc và ban hành một số cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền. Đối với các chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, thành phố đã có văn bản đề nghị trình cấp có thẩm quyền quyết định.
THÁO GỠ "ĐIỂM NGHẼN"
Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về “Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, hiện nay, Đà Nẵng tạm thời xác định cấp độ dịch đối với 56/56 xã, phường trên toàn địa bàn thành phố ở cấp độ 2 - nguy cơ bình thường.
Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã tái hoạt động trở lại bình thường, tự chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
Theo kế hoạch, trong quý 4, TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức một Diễn đàn đầu tư năm 2021, cùng với đó, sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục các dự án lớn, đặc biệt, khắc phục kịp thời việc chậm trễ, tồn đọng hồ sơ.
Các dự án trọng điểm sẽ được tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ trong Diễn đàn quý 4 tới đây, gồm: dự án Làng Vân, Tổ hợp không gian sáng tạo tại Đà Nẵng, Trung tâm thương mại Aeon, đề xuất nghiên cứu dự án Khu Logistics Hòa Nhơn, đề xuất của Liên doanh Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex và Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex 2, các dự án do công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Liên doanh Công ty Sakae Holdings và các đối tác đề xuất...
Để các dự án sớm được triển khai, thành phố cũng chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, công tác giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai các dự án lớn tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội năm 2022.
Song song với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển, thành phố cũng tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, phòng, chống dịch, hướng đến sớm hình thành “công dân xanh”, “doanh nghiệp xanh”, “xã hội xanh”; tăng cường chuyển đổi số.
Đồng thời, phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký, mở rộng đầu tư, hải quan, giấy phép lao động, phấn đấu năm 2021 đạt quy mô GRDP bằng năm 2020 và tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 tăng 6-7%.