Mục tiêu 200 nghìn chỗ ở cho sinh viên, gần 200 nghìn chỗ ở cho công nhân và hàng chục ngàn căn hộ cho người thu nhập thấp vào cuối năm 2010, đầu năm 2011 là khả thi, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.
>> Chuyên đề về nhà ở xã hội trên VnEconomy
Trong cuộc họp trực tuyến với 5 tỉnh thành triển khai Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại Bộ Xây dựng, ông Nam cho rằng, hai yếu tố quan trọng nhất để tạo lập nhà ở xã hội cho sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp là đất và tiền. Và cả hai yếu tố này đã được các thành phố lớn chuẩn bị sẵn sàng.
Thưa ông, cụ thể là quỹ đất và nguồn vốn sẽ lấy ở đâu?
Nói về đất, hiện nay đối với trường đại học, chúng ta đã có quy hoạch hai trường đại học quốc gia lớn ở Tp.HCM và Hà Nội. Đại học Quốc gia Tp.HCM đã được quy hoạch gần 1.000 ha, trong đó đã dành hàng trăm ha để xây dựng nhà ở cho sinh viên. Đất này đã được giải phóng đền bù cơ bản và cũng đã sẵn sàng triển khai cho giai đoạn năm 2009 và 2010.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Xây dựng, đã có quy hoạch ba khu đất để xây dựng nhà ở tập trung cho sinh viên ở Mễ Trì, khu Mỹ Đình và phía Đông Bắc.
Đối với nhà ở thu nhập thấp và nhà ở cho công nhân, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thì vẫn còn trên 70 ha đất được trích từ các dự án đô thị có quy mô trên 10 ha. Đây là đất sạch, thậm chí đã có hạ tầng.
Do vậy, về cơ bản theo ý kiến tôi, yếu tố thứ nhất là yếu tố đất để triển khai xây dựng quỹ nhà này cho giai đoạn 2009-2010 cơ bản đã có.
Chưa kể, hiện nay trong tay chúng tôi có danh sách khoảng 80 dự án do các doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế đăng ký mà họ đã có quỹ đất sạch sẵn sàng triển khai.
Nguồn vốn đầu tư nhà ở cho sinh viên sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cụ thể là đầu tư từ 8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong hai năm 2009-2010, chắc chắn con số này sẽ còn lớn hơn nữa trong giai đoạn 2011-2015.
Theo ông, khả năng các doanh nghiệp sẽ đăng ký tham gia xây dựng nhà xã hội đến đâu?
Nhà ở công nhân các khu công nghiệp và cho người thu nhập thấp thì cơ chế hỗ trợ của Nhà nước rất mạnh mẽ về tiền sử dụng đất, về thuế, về hỗ trợ tín dụng cũng như về quy hoạch xây dựng và các cơ chế hạch toán tài chính khác.
Với những cơ chế này, cộng với sự chủ động hỗ trợ thêm từ các quỹ hỗ trợ phát triển nhà ở của các địa phương thì tôi tin số lượng doanh nghiệp đăng ký để tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân và nhà ở cho người thu nhập thấp rất lớn.
Vấn đề là làm sao nhanh chóng tập hợp các dự án này trình Thủ tướng phê duyệt, đôn đốc các địa phương, các ban ngành tạo điều kiện tối đa về mặt thủ tục, hành chính cho các doanh nghiệp để nhanh chóng khởi công trong quý 3/2009.
8 nghìn tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ bao giờ sẽ triển khai với ưu đãi và cách thức huy động ra sao, thưa ông?
Nghị quyết của Chính phủ về xây nhà sẽ hội sẽ đưa ra các chủ trương và tiêu chí định hướng cụ thể. Nhưng kèm theo nghị quyết này, Bộ Xây dựng đang dự thảo 3 quyết định của Thủ tướng dự kiến ban hành trong tháng 4, trong đó quy định cụ thể về nguồn vốn, về tiêu chí cũng như về danh sách cụ thể các dự án, cách thức giải ngân cũng như cơ chế.
Trên cơ sở các quyết định này, doanh nghiệp sẽ triển khai một cách nhanh chóng và đưa dự án vào vận hành trong thời gian tới.
Làm thế nào để những ưu đãi đến đúng đối tượng, thưa ông?
Bên cạnh việc tạo ra cơ chế chính sách, nguồn vốn để tạo lập nên những nguồn nhà, Bộ Xây dựng cũng như các địa phương đang rất quan tâm và chuẩn bị để ban hành cơ chế chính sách liên quan đến việc lựa chọn đối tượng, phân phối nhà ở, quản lý cũng như phát triển các quỹ nhà mà chúng ta sẽ hình thành trong tương lai
Tôi tin rằng, trong thời gian vừa qua, với một số mô hình đã được triển khai trước ở một số địa phương, mô hình quản lý đã có, cộng với việc đúc rút kinh nghiêm từ các nước đã có đi trước trong mô hình này thì hoàn toàn chúng ta có thể quản lý được đúng đối tượng, duy trì được quỹ nhà ở cho sinh viên, công nhân
Mô hình quản lý sẽ thực hiện như thế nào để tránh việc xây dựng nhà ở xã hội giống nhà tái định cư, hoặc đã xây xong nhưng vì quá xa nội thành, nên không có người ở?
Cái này chúng tôi cũng đã tính đến. Chúng ta cũng phải xuất phát từ quan điểm thực tế là nhà cho người thu nhập thấp, nhà cho công nhân thì cũng không thể ở trong những khu đắt tiền. Tuy nhiên, khái niệm trung tâm thành phố cũng khác. Chúng ta đang phát triển đô thị theo hướng nhiều trung tâm. Các trung tâm này được hình thành trong quá trình quy hoạch và phát triển
Chúng ta cũng tránh tình trạng thứ hai là đẩy người nghèo, công nhân ở khu vùng sâu, vùng xa mà không có hạ tầng xã hội, không có kết nối, và không được hưởng thụ những lợi ích công cộng cũng như giá trị văn hoá tinh thần.
Với tinh thần đó, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ là sẽ chỉ đạo các tỉnh thành trước hết làm tốt công tác quy hoạch, trong đó có xen kẽ dự án nhà ở cho sinh viên, công nhân với dự án nhà ở thương mại khác.
Trong các dự án đô thị sẽ dành quỹ đất 20% để làm dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, sinh viên, công nhân. Như vậy, sẽ đảm bảo được những người khó khăn về nhà ở sẽ có được quỹ nhà với chi phí vừa phải trong khả năng thu nhập của mình, đồng thời vẫn được hưởng các dịch vụ công cộng như những người ở nhà ở thương mại khác để tránh sự phân nhóm, khoảng cách giữa người giầu, người nghèo.
Việc xen kẽ các loại đô thị liệu có tạo ra sự "lem nhem", và những vấn đề phát sinh về mặt an sinh xã hội, an ninh trật tự?
Chúng ta phải giải quyết vấn đề này bằng quy hoạch. Chúng ta cũng không sợ lem nhem đô thị vì bây giờ cũng đã có thiết kế mẫu điễn hình và có bộ máy quản lý đảm bảo đô thị của chúng ta phát triển hài hoà.
Chúng ta cũng không sợ ở xa vì một trong những nguyên tắc phát triển nhà ở cho sinh viên, thu nhập thấp là phải phù hợp với phát triển đô thị, như vậy đương nhiên phù hợp với phát triển giao thông, cấp điện, nước và các dịch vụ.
Việc này sẽ được giải quyết từng bước, đặc biệt là từ công tác quy hoạch.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate