August 28, 2008 | 14:51 GMT+7

“Đa số nhân lực ngành du lịch không qua đào tạo”

Đinh Tịnh

Ông Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trao đổi về những mặt yếu kém của nhân lực ngành du lịch

Ông Nguyễn Phú Đức - Ảnh: VNN.
Ông Nguyễn Phú Đức - Ảnh: VNN.
Ông Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trao đổi về những mặt yếu kém của nhân lực ngành du lịch.

0,2% trên đại học

Xin ông cho biết nét đặc thù trong hoạt động du lịch, điều này ảnh hưởng như thế nào đến đào tạo nhân lực ngành?

Người đi du lịch đến từ nhiều nước khác nhau, từ nhiều nền văn hóa khác nhau, thuộc tầng lớp xã hội khác nhau, cái họ cần là thái độ nhiệt tình, chu đáo, niềm nở và phải tương xứng với số tiền họ bỏ ra.

Chúng ta phải nâng cao chất lượng dịch vụ cho ngành du lịch: điều này nằm trong môi trường tự nhiên, xã hội, nằm ở những địa điểm cụ thể, phương tiện vật chất kỹ thuật (đó là tổng thể cơ sở hạ tầng từ khách sạn, khu vui chơi giải trí...). Nhưng cơ bản nhất vẫn là con người trong cử chỉ hành động, thái độ, từ ánh mắt đến nụ cười... Tất cả những ai tiếp xúc với khách du lịch đều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng du lịch.

Theo tôi, du lịch là dịch vụ tổng hợp con người, nguồn nhân lực du lịch phải nói đến những người làm du lịch kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Tức là các dịch vụ du lịch phải quan tâm trực tiếp đến xã hội, vì thế cũng có thể hiểu đây là nguồn nhân lực mở và chúng ta nên có những chính sách đào tạo mở, không nên bó hẹp.

Vậy ông đánh giá như thế nào về việc đào tạo nguồn nhân lực trong ngành du lịch của chúng ta hiện nay?

Hiện nay, chúng ta đang có khoảng 1 triệu người làm trong ngành du lịch, chiếm 2% lao động cả nước. Trong số này, khoảng 53% dưới sơ cấp, 18% sơ cấp, 15% trung cấp, 12% cao đẳng và đại học, 0,2% trên đại học.

Tham gia trong ngành du lịch có tới 750 ngàn người không qua đào tạo và chỉ làm việc gián tiếp. Làm việc trực tiếp có khoảng 250 ngàn người, làm trong các công ty lữ hành, đưa đón khách, khách sạn, công ty hoạt động du lịch. Trong nhóm làm việc trực tiếp chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% người từ ngành khác chuyển sang và 20% còn lại thì không qua đào tạo (có thể học hết phổ thông chuyển sang làm việc).

Như vậy, có thể nhận thấy chất lượng nguồn lao động chưa cao, khối lượng đông nhưng phân bố không đồng đều. Đa phần, những người có đào tạo đều làm việc tại những khu du lịch, trung tâm du lịch, còn những vùng sâu, vùng xa thì “trắng” cán bộ. Vì vậy, tôi có thể khẳng định rằng nhân lực ngành du lịch vẫn còn thiếu và yếu.

Mỗi nơi một chuẩn

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự yếu kém trong đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch?

Đó là sự đào tạo chưa bài bản, hiện nay chúng ta chưa có một trường đại học chuyên ngành du lịch. Chúng ta có khoảng hơn 20 trường đại học có khoa hoặc bộ môn du lịch, nhưng đội ngũ giáo viên đôi khi từ các ngành khác chuyển về, giáo trình không có. Vì thế, cử nhân du lịch hiện nay phần nhiều có chất lượng không cao, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Trường trung cấp và dạy nghề trên toàn quốc hiện có khoảng trên 40 trường, tập trung tại Hà Nội (15 trường), Tp.HCM (7 trường), còn lại nằm rải rác ở một số tỉnh khác. Nhưng các trường này đào tạo nhiều lĩnh vực khác nhau, chỉ có một nhóm đào tạo về du lịch. Đào tạo chuyên về du lịch hiện chỉ có 4 trường đặt tại Hà Nội, Huế, Vũng Tàu, Sài Gòn và sắp tới xây dựng 1 trường mới ở Hải Phòng.

Như vậy, với nhu cầu nhân lực ngành du lịch lớn và không ngừng phát triển như thời gian qua, công tác đào tạo là quá “mỏng”. Một điều nữa cũng phải nhận thấy rằng ngay cả chuẩn nghề về du lịch chúng ta vẫn chưa có.

Hiện nay, chương trình EU đang giúp ta đào tạo 13 chuẩn nghề du lịch, mỗi trường dạy theo một chuẩn riêng của mình, dẫn đến những chuẩn khác nhau trong du lịch. Vì thế, chất lượng sẽ không đồng đều.

Tôi lấy ví dụ như: một khách du lịch nghỉ tại khách sạn 3 sao ở Hà Nội được phục vụ khác, một khách sạn 3 sao ở Hải Phòng phục vụ khác, đến khách sạn 3 sao ở Thái Nguyên lại càng khác nữa...

Như vậy, chúng ta phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc và thấy rõ những yếu kém trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch.

Vậy theo ông, để giải quyết “bài toán” về nhân lực chúng ta sẽ phải làm gì?

Đầu tiên, cần phải rà soát và quy hoạch lại các trường, nâng cao đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống giáo trình, môi trường sinh hoạt và đào tạo tại nhà trường. Phải biết kết hợp giữa nhà trường và xã hội, tránh tình trạng học sinh học chay. Đồng thời, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên với thực tiễn ngành du lịch. Hiện nay, chương trình đào tạo còn quá nhiều sách vở mà xa rời thực tế.

Bên cạnh đó, tích cực triển khai đào tạo tại chỗ bằng hình thức: những người làm nghề có kinh nghiệm truyền dạy cho người mới. Do sự phát triển du lịch của chúng ta không đồng đều, nên hoàn toàn những người giỏi ở khách sạn 4-5 sao có thể đạo tạo cho những đồng nghiệp ở những khách sạn ít sao hơn.

Hiện nay, Chương trình EU, đã đào tạo cho ngành du lịch 2.500 đào tạo viên, nhóm này đa phần là cán bộ từ các doanh nghiệp. Những người này hàng năm có trách nhiệm đào tạo lại cho những người khác theo đúng chuẩn EU về nguồn nhân lực.

Chúng ta phải chú ý, mở rộng đào tạo tại chỗ cán bộ của các công ty, doanh nghiệp. Hình thức này, đỡ tốn kém, lại hiệu quả, đáp ứng được số lượng thiếu hụt nhân lực rất lớn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate