May 18, 2022 | 12:05 GMT+7

Đà tăng vẫn áp đảo, tiền vào mạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng

Kim Phong -

Không rực rỡ ngay từ đầu, thậm chí vẫn có một nhịp lùi nhẹ đầu phiên, nhưng thị trường sáng nay vẫn trong đà đi lên tốt. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang dẫn dắt điểm số, đồng thời thu hút dòng tiền nổi bật...

VCB giảm giá nổi bật trong nhóm ngân hàng, nhưng không ảnh hưởng gì tới các mã còn lại.
VCB giảm giá nổi bật trong nhóm ngân hàng, nhưng không ảnh hưởng gì tới các mã còn lại.

Không rực rỡ ngay từ đầu, thậm chí vẫn có một nhịp lùi nhẹ đầu phiên, nhưng thị trường sáng nay vẫn trong đà đi lên tốt. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang dẫn dắt điểm số, đồng thời thu hút dòng tiền nổi bật.

VN-Index tạo đáy lúc 9h45, giảm 0,44% so với tham chiếu nhưng đến hết phiên sáng đã tăng 1,4% tương đương 17,18 điểm. VN30-Index đang tăng 1,03%, Midcap tăng 2,97% và Smallcap tăng 2,17%.

Diễn biến tất cả các chỉ số đều giống nhau, có một nhịp lùi nửa đầu phiên sáng, nhưng Midcap và Smallcap không giảm xuống dưới tham chiếu. Điều đó cho thấy VN-Index bị tác động từ các blue-chips trong nhịp điều chỉnh sớm. VN30-Index giảm tại đáy khoảng 0,89% so với tham chiếu, trong đó một số trụ giảm khá lớn như VHM giảm sâu nhất 2,39%, VIC giảm 2,56%, VCB giảm 1,3%, SAB giảm 3,9%, NVL giảm 4,2%, MSN giảm 3,1%...

Tại đáy, độ rộng của VN30 chỉ có 6 mã tăng, còn lại là giảm, nhưng hết phiên, số tăng đã lên 20 mã, số giảm 9 mã, trong đó 2 cổ phiếu kịch trần là MSN và STB.

Trạng thái đảo chiều này giúp biên độ biến động giá của nhiều blue-chips rất rộng. Chẳng hạn MSN thay đổi giá tới trên 10% chỉ trong phiên sáng, GAS khoảng 4,1%, STB hơn 5%. Loạt cổ phiếu ngân hàng hầu hết phục hồi trên 3% so với giá thấp nhất đầu phiên và nhóm này cũng đang tăng tốt nhất thị trường.

VN-Index chỉ nhúng xuống rất nhanh đầu phiên, sau đó phục hồi tốt.
VN-Index chỉ nhúng xuống rất nhanh đầu phiên, sau đó phục hồi tốt.

Trong 10 cổ phiếu kéo điểm số cho VN-Index tốt nhất thì ngân hàng chiếm 7 mã là TCB tăng 5,02%, BID tăng 2,76%, CTG tăng 2,67%, MBB tăng 3,04%, VPB tăng 2,1%, STB tăng 6,88%, SHB tăng 6,92%. Nhìn rộng hơn, trong 27 cổ phiếu ngân hàng thì chỉ còn VCB giảm nhẹ 0,66%, KLB giảm 4,89% và NVB giảm 0,29%. 21 cổ phiếu còn lại trong nhóm ngân hàng tăng giá, 17 mã tăng trên 1%.

Thanh khoản của rổ cổ phiếu ngân hàng cũng mạnh lên đáng kể. Đối với các mã trên HoSE, giá trị giao dịch đạt gần 1.740 tỷ đồng, chiếm 23% giá trị khớp lệnh của sàn này. Đây là tỷ trọng cao vì suốt từ tháng 3 đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã lép vế, chỉ có vài phiên đạt tỷ trọng trên 20%. STB đang là mã thanh khoản nhất thị trường với 493,4 tỷ đồng và vẫn còn hơn 1,08 triệu cổ dư mua trần. VPB, TCB, MBB cũng thuộc top 10 thanh khoản thị trường.

Mức tăng tốt ở các chỉ số Midcap và Smallcap cũng cho thấy nhóm vốn hóa vừa và nhỏ giao dịch khởi sắc dù thanh khoản không mạnh. Midcap chỉ giao dịch 2.962,4 tỷ đồng, thấp hơn VN30. Smallcap thậm chí chỉ khớp xấp xỉ 920 tỷ đồng. Dòng tiền đang có tín hiệu ưu tiên vào nhóm blue-chips, dù tổng thể thanh khoản chung vẫn còn thấp. Giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay đạt 8.691 tỷ đồng, tăng 12,4% so với sáng hôm qua, trong đó HoSE tăng 11% và VN30 tăng 31%.

Hiện tượng rung lắc nhẹ trong phiên sáng nay cho thấy vẫn đang có sự nghi ngờ lớn trên thị trường, nhưng không dẫn tới thay đổi mang tính đảo ngược. Thời điểm blue-chips Vn30 yếu nhất kéo VN-Index giảm tạo đáy, độ rộng tổng thể của chỉ số này vẫn tốt, với 213 mã tăng/199 mã giảm. Cổ phiếu tiếp tục giữ giá phân hóa ổn định và sau đó khi các blue-chips hồi lại, độ rộng mở rộng rất nhanh. Đến hết phiên sáng VN-Index đã có 319 mã tăng/129 mã giảm.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng 108,3 tỷ đồng trên HoSE trong đó VN30 bị bán ròng 139,4 tỷ đồng. SSI bị xả ròng lớn nhất 94,7 tỷ đồng, HPG -45,5 tỷ đồng, VHM -33,2 tỷ, VIC -22,8 tỷ đồng. Phía mua có MSN +49,7 tỷ, GAS +20,6 tỷ, VNM +19,9 tỷ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate