Viettel, VinaPhone, MobiFone và liên danh EVN Telecom với Hanoi Telecom đã trở thành bốn nhà mạng dành được “tấm vé” phát triển, kinh doanh dịch vụ công nghệ 3G.
Kết quả thi tuyển 3G đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố chiều ngày 2/4/2009, sau một tháng rưỡi nhận hồ sơ, chấm tuyển các “thí sinh” là Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Dịch vụ viễn thông (VinaPhone), Công ty Thông tin di động VMS (MobiFone), Công ty Cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn cầu (Gtel Mobile), và liên danh giữa Công ty Thông tin viễn thông Điện lực (EVN Telecom) và Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom).
Những cam kết lớn
Không nằm ngoài dự đoán, Viettel, VinaPhone và MobiFone, dù khi chưa có kết quả chính thức nhưng đã được nhận định là ba nhà mạng gần như chắc chắn sẽ dành “tấm vé” 3G nhờ những tiềm lực về tài chính, hạ tầng mạng lưới và sở hữu hàng chục triệu khách hàng.
Cụ thể, với kết quả thi tuyển, Viettel trở thành “thí sinh” có số điểm cao nhất: 966,67 điểm trên thang điểm 1.000, “bỏ xa” nhà mạng giành “tấm vé 3G” thứ hai tới hơn 345 điểm là VinaPhone (đạt 620,96 điểm). Doanh nghiệp di động đứng thứ ba là MobiFone đạt 563,91 điểm. Và “tấm vé” cuối cùng đã thuộc về liên danh EVN Telecom-Hanoi Telecom với số điểm là 430,65 điểm. Hai doanh nghiệp không giành “tấm vé 3G” là Gtel (271,50 điểm) và SPT (268,66 điểm).
Tại buổi công bố kết quả, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tổng số tiền cam kết đầu tư triển khai trong ba năm đầu của bốn đơn vị trúng tuyển là 33,8 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng gần 2 tỷ USD).
Trong đó, số tiền tiền cam kết đặt cọc của bốn doanh nghiệp này là 8.100 tỷ đồng, với số trạm BTS cam kết sẽ lắp đặt khoảng 30.000 trạm, tương đương với số trạm hiện có của 2G. Về diện phủ sóng, doanh nghiệp cam kết diện phủ sóng cao nhất là 86% dân số, doanh nghiệp thấp nhất là 46% dân số.
Xác định được tầm quan trọng của giấy phép 3G nên các nhà mạng đã chuẩn bị chạy đua với những cam kết đẩu tư lớn. Ông Lâm Hoàng Vinh, Giám đốc VinaPhone tiết lộ, số tiền đặt cọc của VinaPhone là 1.500 tỷ đồng. Theo ông, sau khi được cấp phép, dự kiến VinaPhone sẽ phủ sóng 3G trên 2/3 dân cư, ở tất cả các nơi có khả năng cung cấp dịch vụ 3G.
Mạng MobiFone cũng cam kết sẽ phủ sóng 3G tới 100% đô thị thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước sau khi được cấp phép, và phủ sóng 3G 98% dân số trong 3 năm sau đó.
Ông Hoàng Sơn, giám đốc doanh nghiệp đạt số điểm cao nhất là Viettel Telecom cho biết, số tiền đầu tư trong ba năm đầu để xây dựng hạ tầng 3G của Viettel là 12.789 tỷ đồng và đơn vị này sẽ triển khai phủ sóng 3G trên 86% dân số ngay sau khi được cấp phép.
Như vậy, với khoản tiền cam kết trên, Viettel là doanh nghiệp có số tiền cam kết đầu tư lớn nhất trong ba năm đầu, gấp 1,5 lần so với doanh nghiệp cam kết đứng thứ hai là VinaPhone (9.556 tỷ đồng). Đặc biệt, Viettel cũng trở thành mạng có số tiền đặt cọc cao nhất, với 4.500 tỷ đồng, gấp 3 lần tiền đặt cọc của MobiFone và VinaPhone.
Còn với liên danh EVN Telecom và Hanoi Telecom, số tiền cam kết đặt cọc là 600 tỷ đồng, ông Đinh Thế Phúc, Giám đốc EVN Telecom cho biết.
Áp lực của nhà mạng
Với Gtel Mobile và SPT, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, các doanh nghiệp không trúng tuyển này có thể hợp tác, liên kết với với các doanh nghiệp có được giấy phép 3G để cung cấp dịch vụ 3G, hoặc cũng có thể cung cấp dịch vụ này trên các băng tần khác, không phải là trong băng tần 1900 - 2200 MHz của đợt cấp phép lần này.
Với những doanh nghiệp nhận được giấy phép 3G, sau khi công bố trúng tuyển, các doanh nghiệp di động sẽ có ba tháng để thực hiện, hoàn thiện các thủ tục như tiền đặt cọc, thiết lập hạ tầng mạng lưới kỹ thuật cho 3G… Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra các yêu cầu, điều kiện và sẽ chính thức cấp phép và cấp tần số 3G cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, trong thời gian ba năm đầu triển khai, Bộ sẽ giám sát chặt chẽ việc thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ 3G, và sẽ tiến hành xử phạt nếu doanh nghiệp nào vi phạm trong cam kết.
Đặc biệt, theo quy định, sau 24 tháng, doanh nghiệp được cấp phép không đảm bảo cung cấp dịch vụ 3G ra thị trường với diện phủ sóng 10% dân số sẽ bị thu hồi giấy phép.
Ông Hoàng Sơn cho biết, sau khi có giấy phép, hai ba tháng đầu Viettel sẽ triển khai đấu thầu mua bán thiết bị, sau đó mất 5-6 tháng để lắp đặt, vì thế sẽ có nhiều áp lực vì thời gian vừa khít và Viettel sẽ phải đẩy nhanh tốc độ triển khai.
Trên thực tế, theo một số nhà mạng, nhu cầu cấp bách nhất với giấy phép 3G là để chống nghẽn cho cho các thuê bao 2G, hiện đang trở thành “quá tải” ở các khu vực thành phố lớn, với mật độ sử dụng di động dày đặc, nên nhu cầu hàng đầu vẫn là thoại và SMS chứ không phải là dịch vụ 3G.
Trong khi đó, khi mà một hai năm tới, nền kinh tế dự kiến vẫn còn nhiều khó khăn, khi mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam nhìn chung vẫn thấp. Mà, việc mua sắm các thiết bị di động để sử dụng dịch vụ 3G (chưa kể giá dịch vụ 3G có thể sẽ đắt hơn các dịch vụ cơ bản hiện nay) chưa phải là phù hợp với đại đa số khách hàng, thì việc đầu tư hàng trằm, hàng nghìn tỷ đồng sẽ là thách thức để các nhà mạng thu hồi lại nguồn vốn, nhất là trong ba năm đầu.
* 3G là viết tắt của “third generation”, tức “thế hệ thứ 3”, là công nghệ di động không dây thế hệ mới có tốc độ truyền tải nhanh với nhiều kỹ thuật khác nhau như HSPA, EV-DO, LTE... Tốc độ tải lên khoảng 7,2 Mb/giây và tốc độ tải xuống ở mức vài chục Mb/giây. Người sử dụng công nghệ 3G sẽ được dùng các dịch vụ: thoại video, kết nối Internet, xem phim trực tuyến, thực hiện giao dịch thanh toán qua mạng...
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate