Từ giữa tháng 3/2010 đến nay, tại Đắc Lắc, những thông tin vỡ nợ của nhiều doanh nghiệp, thương lái cà phê lớn lan truyền đã khiến hàng trăm hộ nông dân trồng cà phê lo lắng, đổ xô đến các doanh nghiệp, đại lý mà họ ký gửi cà phê để chốt giá bán lấy tiền.
Danh sách các doanh nghiệp, thương lái kinh doanh cà phê vỡ nợ ở Đắc Lắc đã lên đến con số hàng chục và vẫn đang nối dài ra, điển hình như: các doanh nghiệp tư nhân Hai Thận, Kim Đua; Công ty TNHH Hương Hiệp; đại lý cà phê Tám Loan, đại lý cà phê Kim Hoa ; Công ty TNHH An Tiến...
Bỗng dưng trắng tay
Theo bà Lê Thị Nghĩa, ở xã Ea Răl, gia đình bà ký gửi 7 tấn cà phê (trị giá hơn 170 triệu đồng) cho doanh nghiệp Hai Thận, đã mấy tháng nay ngày nào bà cũng đến nhưng không đòi được đồng nào. Nhà có 2 ha cà phê đã vào đợt tưới thứ ba rồi, giờ không có tiền mua dầu, mua phân bón, thuê nhân công chăm sóc.
Tình cảnh của bà Nghĩa cũng là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân trồng cà phê ở huyện Ea H’leo. Chính quyền xã Ea Răl, huyện Ea H’leo cho biết, hiện doanh nghiệp Hai Thận còn nợ hơn 150 hộ nông dân trong vùng khoảng 350 tấn cà phê, 6 tấn tiêu, và nợ ngân hàng hơn 4 tỉ đồng.
Ông Thận giải thích với chính quyền xã rằng, sở dĩ không thanh toán được cho bà con là do kinh doanh xuất khẩu cà phê thua lỗ, phải lấy cà phê ký gửi bù vào. Hiện không có khả năng trả nợ, nên ông Thận đang tính chuyện bán toàn bộ kho xưởng, đất rẫy cà phê đang thế chấp ở ngân hàng.
Cùng cảnh vỡ nợ nhưng chủ doanh nghiệp Hai Thận ở lại “gồng mình” chịu trận đòi nợ của người dân, còn Giám đốc Công ty TNHH Hương Hiệp ở thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo thì hiện đang bỏ trốn đi đâu không rõ. Trước đó, vào đêm 18/3/2010 tại kho chứa cà phê của Công ty Hương Hiệp bỗng dưng xảy ra một vụ cháy lớn rất khó hiểu, khiến giờ đây kho trống rỗng.
Theo một cán bộ Hội Nông dân huyện Ea H’leo, hiện Công ty Hương Hiệp còn nợ các hộ nông dân khoảng 150 tấn cà phê ký gửi, nợ ngân hàng nhiều tỉ đồng nhưng không có khả năng thanh toán.
Từ giữa tháng 3/2010 đến nay tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk cũng đã có gần 80 hộ dân đã kéo đến đại lý cà phê Kim Hoa để đập phá nhà cửa, tranh nhau lấy tài sản để xiết nợ. Chủ đại lý này nợ đến 230 tấn cà phê ký gửi và 170 triệu đồng tiền vay, giá trị tổng cộng hơn 5 tỉ đồng.
Hậu quả của phương thức kinh doanh thiếu bài bản
Ký gửi cà phê, thực chất là mua bán cà phê giữa nông dân với các đại lý (cùng thoả thuận theo hình thức chốt giá, trả tiền ngay hoặc trả chậm) đã xuất hiện hàng chục năm nay và được xem là tiến bộ hơn hẳn so với phương thức mua bán cũ “tiền trao cháo múc”, được nhiều nông dân trồng cà phê lựa chọn.
Các đại lý kinh doanh cà phê có vốn lớn, đầu tư kho bãi, uy tín đã trở thành “điểm tựa” cho hàng trăm hộ dân. Còn nông dân, thay vì thu hoạch xong bán ngay cho đại lý như trước đây, thì họ đưa cà phê tới kho của đại lý để ký gửi. Như thế vừa được mượn kho để tạm trữ, đồng thời được tạm ứng một khoản tiền để người nông dân trang trải được nợ nần. Nông dân theo dõi diễn biến giá cả trên thị trường, bất kể lúc nào thấy giá bán có lợi, thì họ sẽ đến gặp thương lái chốt giá bán, và lấy tiền.
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), việc các doanh nghiệp, thương lái kinh doanh cà phê vỡ nợ hàng loạt chính là hậu quả cách thức kinh doanh thiếu bài bản mà Vicofa đã cảnh báo từ lâu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không đưa được hàng lên các sàn cà phê của thế giới mà thường bán hàng cho đối tác theo phương thức trừ lùi. Các đối tác nước ngoài thường ký hợp đồng mua hàng giao sau. Giá xuất không được chốt tại thời điểm đặt bút ký hợp đồng mà căn cứ vào giá cà phê tại sàn London vào đúng ngày giao hàng, sau đó lấy giá này trừ đi các chi phí chênh lệch, thuế, vận chuyển... và mức trừ lùi giá thường lên tới 50-100 USD/tấn.
Khi các đối tác nước ngoài đã ký được nhiều hợp đồng mua hàng với các doanh nghiệp Việt Nam, họ sẽ coi như đã “nhốt” được các doanh nghiệp Việt Nam vào cái rọ. Đến thời điểm mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải giao hàng thì giới đầu cơ ở sàn London sẽ cấu kết với nhau làm giá để đẩy giá bán cà phê tại sàn này xuống thấp. Lúc đó, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải giao bán hàng cho họ với giá rẻ mạt. Đến thời điểm này, khi giá cà phê hồi phục, nông dân mới tìm đến thương lái để chốt giá, trong khi hàng ký gửi đã được thương lái xuất bán với giá thấp từ trước đó, chính vì vậy nhiều thương lãi thua lỗ, dẫn đến vỡ nợ.
Nguy cơ hiện nay là, những thông tin về hàng loạt các thương lái vỡ nợ sẽ khiến tất thảy người trồng cà phê lo sợ, họ đồng loạt đến các đại lý để chốt giá, đòi tiền hoặc đòi cà phê. Như vậy, càng gia tăng hiện tượng vỡ nợ dây chuyền. Những doanh nghiệp lớn vừa làm ăn bài bản, vừa có vốn lớn sẽ vẫn trụ vững, nhưng doanh nghiệp nhỏ và thương lái có vốn ít rất dễ bị sụp đổ.
Đây chính là thời điểm để thị trường thanh lọc những doanh nghiệp kém, giữ lại những doanh nghiệp mạnh. Tuy nhiên, việc phá sản của nhiều doanh nghiệp, thương lái sẽ khiến hàng nghìn hộ nông dân trồng cà phê phải mất trắng gia sản, khó gượng dậy được.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate