Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở chậm nộp BCTC quý 2/2023 đến các Công ty niêm yết.
Cụ thể: căn cứ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán: “Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý....
Trường hợp tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc quỷ...
Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp báo cáo, HOSE vẫn chưa nhận được Báo cáo tài chính quý 2/2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG); Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (HPX), Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings (IBC), CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) và Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC).
Theo đó, HOSE nhắc nhở và đề nghị các công ty khẩn trương công bố thông tin theo đúng quy định.
Trước đó, HOSE cũng đã có thông báo nhắc nhở chậm nộp BCTC quý 1/2023 lần 2 đối và chậm CBTT Báo cáo thường niên năm 2022 với Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á.
Đối với cổ phiếu IBC, HOSE đưa cổ phiếu này vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/07/2023, do tổ chức niêm yết chưa họp ĐHĐCĐ thường niên quá 6 thá kể từ năm tài chính kết thúc. Đồng thời, công ty cũng bị nhắc nhở chậm nộp Báo cáo tình hình quản trị công ty và Bảng cung cấp thông tin quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023.
Đối với cổ phiếu SJF, HOSE đã đưa cổ phiếu này vào diện cảnh báo kể từ ngày 12/04/2023 do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với BCTC hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán của công ty.
Theo báo cáo triển vọng của VnDirect, tính đến ngày 31/07/2023, có 972 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, chiếm 92% vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/23 với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng giảm 11,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, ngành Dịch vụ tài chính có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến, tăng 728% so với cùng kỳ và đóng góp 2,3 điểm % vào tăng trưởng toàn thị trường.
Bên cạnh đó, ngành Bất động sản cũng có tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng 96,1% đóng góp 3,9 điểm % tăng trưởng thị trường, chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh quý 2/23 vượt trội của VHM đạt 9.652 tỷ đồng (+1.348,3% so với cùng kỳ).
Ở chiều ngược lại, ngành Hóa Chất (-64,1% so với cùng kỳ), Dầu khí (-74,3% so với cùng kỳ), Kim loại (-71,8% so với cùng kỳ) gây ảnh hưởng xấu nhất tới tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường bởi giá các loại hóa chất (phốt pho), kim loại (thép xây dựng) đều giảm mạnh.
Trong khi đó, do biên lợi nhuận lọc hóa dầu co lại về mức trước khủng hoảng Nga-Ukraine khiến lợi nhuận các công ty lọc hóa dầu suy giảm mạnh so với cùng kỳ.