"Theo nghiên cứu của tôi đang có hiện tượng cài cắm một số nhân cốt vào doanh nghiệp để thôn tính. Chỗ này có khả năng tạo ra một số kiểu "Vũ Nhôm" khác", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lo ngại khi nhận xét về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội trong ngày 27/10, khá nhiều vị đại biểu đã phát biểu và tranh luận về hoat động cũng như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Dẫn thông tin từ báo cáo của Chính phủ về giải pháp cần đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa, nâng cao thực chất trình độ quản lý, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) biểu thị sự đồng tình và nhận xét đây là giải pháp hay.
Tuy nhiên, đại biểu Nhưỡng băn khoăn vì báo cáo của Chính phủ cũng có nêu thực tiễn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước còn chậm. Năm 2018 mới cổ phần hóa được 10/85 doanh nghiệp.
Đặc biệt là 12 dự án nghìn tỷ (dự án yếu kém ngành công thương - PV) cũng đã có Ban chỉ đạo nhưng vẫn dậm chân tại chỗ, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Lấy ví dụ ngay từ dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ bản thân trực tiếp đi khảo sát, ông Nhưỡng nêu: dự án nhận nguyên liệu từ miền Nam, nơi sử dụng sản phẩm lại chính là miền Nam, mỗi tấn mất 1 triệu tiền công vận chuyển. Như vậy, mỗi năm mất 550 tỷ là cao nhất, bình thường là 370 tỷ khấu hao 1 năm. Như thế làm thế nào để ra tiền trong khi nợ chồng chất, liệu có cho phá sản không?, đại biểu đặt vấn đề.
Với dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, đại biểu nhấn mạnh: Thủ tướng chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo và doanh nghiệp quyết tâm cổ phần hóa, Thái Nguyên có ý kiến nhưng Tổng công ty thép Việt Nam vẫn lững lờ. Cứ để như thế thì thiệt hại cho nhà nước, cho doanh nghiệp và người lao động.
Tôi đề nghị tất cả dự án nào không thực hiện được đề nghị phải cho phá sản, còn dự án nào cổ phần hóa được, thoái vốn được, bán được, cho thuê được thì đề nghị phải làm ngay, tránh tình trạng thất thoát, đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.
Vị đại biểu Bến Tre cũng "xin báo cáo Quốc hội" có dư luận cho rằng có hiện tượng để dự án đó để giảm bớt khấu hao bằng các khấu hao vô hình và hữu hình sau đó người ta sẽ mua rẻ lại các tài sản này của nhà nước. Chỉ nhà nước, doanh nghiệp và dân thiệt.
Theo nghiên cứu của tôi đang có hiện tượng cài cắm một số nhân cốt vào doanh nghiệp để thôn tính. Chỗ này có khả năng tạo ra một số kiểu "Vũ Nhôm" khác, ông Nhưỡng lo ngại.
Đề nghị của đại biểu là phải hoàn thiện ngay thể chế để bịt lỗ hổng, đặc biệt là lỗ hổng cổ phần hóa để tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Đăng đàn ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh một vài nét về xử lý 12 dự án kém hiệu quả.
Bộ trưởng khẳng định việc này đã triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện đề án mà Chính phủ đã phê duyệt để khắc phục những tồn tại của 12 dự án. Lộ trình là trong năm 2018 và năm 2019 sẽ xử lý một cách tương đối toàn diện và triệt để những vấn đề tồn tại để chấm dứt kết thúc vào năm 2020.
Bộ trưởng cũng nêu nguyên tắc các dự án này phải được thực hiện trong nỗ lực giải quyết tồn tại nhưng phải trong khuôn khổ của luật pháp. Phải đảm bảo đúng nguyên tắc thị trường, không có chuyện tiếp tục trợ cấp hoặc cấp thêm vốn từ ngân sách nhà nước. Phải đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp và phải phù hợp với nội dung các cam kết hội nhập quốc tế.
Cho biết sẽ tiếp tục cập nhật và báo cáo đầy đủ về 12 dự án, Bộ trưởng khẳng định quá trình xử lý sẽ làm đồng bộ, toàn diện kể cả xem xét trách nhiệm về mặt pháp luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự của các cá nhân và tổ chức có liên quan.
"Bởi vì, mục tiêu của chúng ta là giải quyết một cách đồng bộ và đảm bảo công bằng trước pháp luật. Đồng thời, không có những nguy cơ xảy ra trong tương lai", Bộ trưởng phát biểu.