Vấn đề kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến khi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, sáng 22/10.
Tham gia góp ý tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Do đó, ông tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử, vì hiện nay đã và đang diễn ra.
Đại biểu dẫn chứng, hiện nay người dân chỉ cần gửi tin nhắn Zalo đến nhà thuốc thì ngay lập tức sẽ có thuốc ship đến tận nhà. Vì vậy, cấm không được thì cần phải quy định chặt chẽ việc này.
Đại biểu nêu quan điểm, những thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, vì hiện nay rất nhiều thuốc xách tay như thực phẩm chức năng được mang về bán online.
Thứ hai là các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và các thuốc theo đơn, nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, và bệnh án điện tử.
Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định cấp phép, nên bắt đầu thử nghiệm ngay tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, dự thảo Luật cũng cần có điều, khoản cụ thể quy định rằng Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội. Đồng thời, cũng xóa bỏ được tư duy “không quản được thì cấm”.
“Ví dụ, nhiều bác sĩ bị sử dụng hình ảnh quảng cáo thuốc không đúng chất lượng trên thực tế hiện nay rất nhiều, không biết cách báo cho ai và làm cách nào để chấm dứt tình trạng này”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu thực tế.
Theo ông, những thuốc quảng cáo sai, không đúng sự thật phải công khai cho người dân biết, có tra cứu trên các trang web, app ứng dụng của chính đơn vị thuộc Bộ Y tế.
Có như vậy mới giảm được tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội. Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương và Bộ Công an để xử lý các vi phạm về quảng cáo thuốc.
Cũng quan tâm về vấn đề kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể về trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, trong việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của thuốc được bán trên sàn.
“Việc này giúp bảo đảm người tiêu dùng mua được thuốc đúng chất lượng, và tránh tình trạng bán thuốc không đúng quy định trên các sàn giao dịch thương mại điện tử”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nói.
Về kinh doanh dược phẩm qua sàn thương mại điện tử, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cũng nhấn mạnh, cần quy định bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát, nhằm bảo đảm chất lượng thuốc khi giao dịch theo phương thức kinh doanh dược qua thương mại điện tử. Bởi vì, với sự phát triển của thương mại điện tử, các quy định này sẽ đảm bảo việc giao dịch thuốc trực tuyến được kiểm soát nghiêm ngặt.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Đoàn TP. Cần Thơ cũng cho rằng hiện nay, hoạt động thương mại điện tử diện diễn ra phong phú, đa dạng và phức tạp. Khác với những loại hàng hóa khác, thuốc được giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng nếu không được quản lý tốt thì sẽ gây hậu quả rất nặng nề, và khó khắc phục.
Góp ý thêm về vấn đề này, đại biểu Lê Văn Cường, đoàn Thanh Hoá nhận xét về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, dự thảo Luật đã có nhiều tiếp thu, chỉnh lý mới theo hướng đảm bảo sự chặt chẽ, thận trọng đối với một phương thức kinh doanh mới liên quan đến sức khỏe con người.
Những chỉnh lý đã có đủ cơ sở để đảm bảo cho một phương thức mới được vận hành trong thực tế. Theo đó, dự thảo luật đã có những quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh, phương tiện điện tử, loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, hành vi nghiêm cấm, bảo mật thông tin người mua, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, giá thuốc.... theo phương thức thương mại điện tử.
Tuy nhiên, tại dự thảo luật chưa có quy định nào thể hiện hoặc giải thích rõ việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử theo quy định của luật này là gì.
Đại biểu Lê Văn Cương dẫn chứng, tại điểm a khoản 1 Điều 32 luật sửa đổi quy định: “Kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến”.
Theo đại biểu Cương, với nội dung này, dự thảo Luật đã nêu lên phương tiện thực hiện kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử, nhưng chưa thể hiện được việc luật chỉ cho phép, và giới hạn kinh doanh trên 3 phương tiện, bao gồm: Sàn giao dịch thương mại điện tử; ứng dụng thương mại điện tử bán hàng; website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Do vậy, để đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất giữa cách hiểu và thực thi luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phương thức này, đại biểu đề nghị cần bổ sung tại phần giải thích từ ngữ quy định, chỉ định rõ theo luật này.
Cụ thể: "Hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, là hoạt động kinh doanh dược thực hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng, có chức năng đặt hàng trực tuyến được phép hoạt động theo pháp luật Việt Nam".