May 28, 2022 | 06:00 GMT+7

Đại biểu Quốc hội kiến nghị cấm hành vi dụ dỗ, lôi kéo mua bảo hiểm

Hoàng Lan -

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi hiện nay mới chỉ cấm hành vi đe doạ, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm. Song, Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên, Đoàn Đại biểu quốc hộ tỉnh Bình Thuận cho rằng cần bổ sung cấm hành vi dụ dỗ, lôi kéo giao kết hợp đồng bảo hiểm của các nhân viên đại lý bảo hiểm...

Trong khuôn khổ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm, các đại biểu Quốc hội đã kiến nghị nhiều nội dung nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về  Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về  Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm.

CẤM DỤ DỖ, LÔI KÉO, LÀM PHIỀN KHÁCH HÀNG DƯỚI MỌI HÌNH THỨC 

Theo đại biểu Trần Hồng Nguyên, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bình Thuận, Khoản 5 Điều 9 của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ quy định về hành vi đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bên cạnh hành vi nêu trên thì còn có hành vi dụ dỗ, lôi kéo giao kết hợp đồng bảo hiểm của các nhân viên đại lý bảo hiểm gây nhiều hệ lụy đến người tham gia bảo hiểm. Do đó, đại biểu Nguyên đề nghị bổ sung cấm hành vi này vào dự thảo Luật.

Góp ý tại Điều 9 của dự thảo Luật về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Đinh Văn Thê, Đoàn Đại biểu quốc hộ tỉnh Gia Lai đề nghị bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đó là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức, yêu cầu các đơn vị kinh doanh bảo hiểm tuân thủ các quy định về pháp luật thông tin và truyền thông. 

Cũng liên quan đến các hành vi nghiêm cấm, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn Đại biểu quốc hộ tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị chỉnh sửa điểm c khoản 4 Điều 9 theo hướng  cấm các hành vi cố tình từ chối hoặc chây ì bồi thường khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra mà không có lý do hợp pháp.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung chỉ ra thực trạng “hợp đồng bảo hiểm mồ côi” đang nhức nhối trên thị trường hiện nay. Hợp đồng “mồ côi” là cụm từ ví von chỉ những hợp đồng bảo hiểm đang ở tình trạng bình thường (được quản lý bởi tư vấn viên) bỗng dưng thiếu hụt người chăm sóc chỉ vì tư vấn viên nhảy việc.

Đại biểu Mai Dung đề nghị phải có những quy định chặt chẽ hơn về nội dung này, nhất là quy định công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm chỉ định kịp thời đại lý bảo hiểm giám sát việc chuyển giao các hợp đồng “mồ côi” một cách kịp thời để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia bảo hiểm. Đồng thời, đại biểu Dung đề nghị bổ sung đầy đủ các nội dung về tư vấn bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong dự thảo Luật để hạn chế tình trạng hợp đồng bảo hiểm “mồ côi”.

ĐẢM BẢO BÌNH ĐẲNG HƠN CHO CÁC BÊN  

Đang có một thực tế: Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng mẫu do công ty bảo hiểm chủ động đưa ra. Điều này khiến người mua bảo hiểm có thể bị thiệt thòi trong nhiều trường hợp. Do đó, Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị điều chỉnh quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm.

Cụ thể, đại biểu Liên Hương đề nghị bổ sung nội dung về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và thỏa thuận mức độ rủi ro là thành phần chủ yếu trong hợp đồng bảo hiểm.

Theo Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, vì hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng mẫu do bên bảo hiểm chủ động đưa ra. Do đó, các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc các thỏa thuận đưa ra yêu cầu điều chỉnh nội dung hợp đồng khi có yếu tố làm thay đổi mức độ rủi ro như tại Điều 23 của dự thảo Luật thường theo hướng có lợi cho bên bảo hiểm. Nếu bên mua bảo hiểm không thỏa thuận kỹ về các nội dung này thì sẽ không lường hết những rủi ro. Khi xảy ra tình huống dẫn đến hủy hợp đồng quy định tại Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng quy định tại Điều 23 thì bên mua bảo hiểm sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Do vậy, đại biểu Vũ Thị Liên Hương kiến nghị điều chỉnh quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm để các bên thỏa thuận phù hợp với từng đối tượng bảo hiểm, đảm bảo nguyên tắc minh bạch, thiện chí, tự nguyện, bình đẳng giữa các bên trong giao dịch dân sự.

Cho ý kiến vào Khoản 2, Điều 19 dự thảo Luật quy định về trường hợp có điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà đề nghị cần cân nhắc tính khả thi của quy định này. Đại biểu làm rõ, trên thực tế, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm khó cùng nhau thảo luận từng điểm loại trừ trong điều khoản loại trừ.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh kiến nghị làm rõ trách nhiệm giải thích cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ, trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm là trách nhiệm giải thích chủ động hay trách nhiệm giải thích theo yêu cầu của bên mua?

Đại biểu cho biết thêm, hiện nay, điểm a khoản 2 Điều 21 dự thảo Luật quy định bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Như vậy, quy định cung cấp thông tin hay giải thích trên cơ sở yêu cầu của bên còn lại trong hợp đồng sẽ đảm bảo bình đẳng hơn cho các bên, đảm bảo tính khả thi trong thực tế của quy định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate