Cử tri tỉnh Tiền Giang vừa có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc xem xét hỗ trợ lãi suất cho vay bằng USD đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Cử tri cho rằng, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hỗ trợ lãi suất khi cho vay bằng đồng Việt Nam nhưng chưa tính đến việc hỗ trợ lãi suất USD cho các doanh nghiệp này.
Đồng thời, cử tri cũng đề nghị xem xét, mở rộng ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Nguyên nhân là do nhiều ngành, nghề khác cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 chứ không riêng gì các ngành nghề được quy định tại Nghị định.
Trả lời vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp để hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, dần chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán nhằm ổn định thị trường ngoại tệ và tăng niềm tin của người dân vào đồng nội tệ.
Việc triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay ngoại tệ sẽ làm tăng nhu cầu ngoại tệ, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến phức tạp có thể gây ra áp lực tới tỷ giá trong nước và mục tiêu chính sách tiền tệ, làm giảm hiệu lực các chính sách hạn chế tình trạng đô la hóa đang được triển khai hiện nay.
"Mặt khác, trên thực tế, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ thường thấp hơn so với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam. Do đó, khi vay vốn bằng ngoại tệ, doanh nghiệp đã được vay với mức lãi suất thấp hơn so với việc vay vốn bằng đồng Việt Nam”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Theo đó, nhà điều hành tiền tệ khẳng định, việc hỗ trợ lãi suất tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP áp dụng đối với khoản vay bằng VND là phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế trong thời gian qua.
Đối với kiến nghị mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ ghi nhận để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan đầu mối tham mưu về đối tượng được hỗ trợ lãi suất) xem xét, đánh giá trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Trước đó, cập nhật kết quả triển khai gói hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất trên mới chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ gần 23.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng. Đây là một con số rất nhỏ trong gói hỗ trợ lên tới 40.000 tỷ đồng mà Chính phủ đưa ra.
Theo Ngân hàng Nhà nước, kết quả này chưa như kỳ vọng, nguyên nhân chủ yếu là do quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, một số khách hàng không muốn tham gia hỗ trợ lãi suất do e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; ngân hàng và khách hàng đều khó đánh giá, xác định “khả năng phục hồi” theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ; nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Ngoài ra, việc xác định, bóc tách dư nợ vay hỗ trợ lãi suất trong trường hợp khách hàng vay kinh doanh nhiều mục đích khác nhau cũng là "nút thắt" khiến gói hỗ trợ lãi suất khó triển khai.
Tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, điểm b khoản 2 mục I Điều 1 đưa ra mục tiêu cụ thể: “... Giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế…”.
Đồng thời, điểm b khoản 3 mục II Điều 1, đưa ra nhiệm vụ và giải pháp: “Thực hiện đồng bộ các biện pháp tiến tới xóa bỏ cơ bản tình trạng đô la hóa nền kinh tế đến năm 2030; hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng sang quan hệ mua bán ngoại tệ để bảo đảm thanh khoản ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối”.