August 15, 2022 | 08:00 GMT+7

Đại diện S&P Global Ratings hiến kế xây dựng “bộ lọc” cho thị trường vốn Việt Nam

Thu Hà -

Phát triển thị trường vốn an toàn, bền vững, minh bạch và hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong chiến lược phát triển nền tài chính quốc gia...

Matthew Batrouney, Giám đốc Điều hành, Khu vực Nam Á & Đông Nam Á, S&P Global Ratings.
Matthew Batrouney, Giám đốc Điều hành, Khu vực Nam Á & Đông Nam Á, S&P Global Ratings.

Phát triển thị trường vốn an toàn, bền vững, minh bạch và hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong chiến lược phát triển nền tài chính quốc gia. Trong đó, Chính phủ xác định thời gian tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phải trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn chính cho nền kinh tế. Giới phân tích nhận định, để đạt được mục tiêu mà chính phủ đề ra, những bất cập hiện nay trên thị trường vốn cần được giải quyết bằng những giải pháp mang tính nền tảng, trong đó có việc thúc đẩy vai trò của xếp hạng tín nhiệm nội địa đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Vậy làm thế nào để hoạt động xếp hạng tín nhiệm nội địa phát triển lành mạnh, xứng đáng là “bộ lọc” cho các nhà đầu tư, góp phần hạn chế tối đa tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường vốn?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Matthew Batrouney, Giám đốc Điều hành, Khu vực Nam Á & Đông Nam Á, S&P Global Ratings xung quanh vấn đề này.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Không chỉ ngân hàng, nhà đầu tư tổ chức mà cả nhà đầu tư cá nhân cũng tham gia thị trường này. Là đại diện tại khu vực Châu Á, Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững? Ông đánh giá thế nào về vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nội địa đối với sự phát triển của thị trường vốn?

Bất kỳ thị trường trái phiếu doanh nghiệp nào cũng cần 3 nhóm yếu tố then chốt để phát triển bền vững. Thứ nhất là về phía cung, đó là chuẩn hóa điều kiện phát hành để các doanh nghiệp lớn có nhu cầu huy động vốn cao có thể đa dạng kênh huy động vốn cho phát triển; thứ hai là về phía cầu, đó là phát triển cơ sở nhà đầu tư đa dạng và có hiểu biết chuyên sâu; và thứ ba là về vai trò của các định chế trung gian cũng như hạ tầng cứng và mềm cho thị trường đó phát triển. Hạ tầng mềm bao gồm nhiều yếu tố trong đó có hệ thống giao dịch thứ cấp, quy chuẩn về công bố thông tin và việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm độc lập.

Trái phiếu là sản phẩm tài chính phức tạp, vô hình nhưng lại có thu nhập được gọi là “cố định” nên vai trò của một bên đánh giá và theo dõi độc lập là rất cần thiết ở hầu hết các thị trường trái phiếu trong khu vực và theo thông lệ quốc tế. Điều này trở nên càng quan trọng tại một số quốc gia trong đó có Việt Nam khi có sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân và mức độ hiểu biết chung của nhà đầu tư đối với sản phẩm này còn hạn chế.

Bên cạnh việc đưa ra các ý kiến độc lập, khách quan về doanh nghiệp phát hành, làm cơ sở để nhà đầu tư đưa ra quyết định, xếp hạng tín nhiệm nội địa còn đánh giá triển vọng mang tính tương lai về khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp mà một nhà đầu tư bình thường khó có điều kiện thực hiện. xếp hạng tín nhiệm cũng là công việc mang tính so sánh về chất lượng tín dụng giữa các doanh nghiệp trong một ngành và trong toàn bộ nền kinh tế.

Xếp hạng tín nhiệm cũng góp phần duy trì ổn định và thúc đẩy thị trường vốn phát triển bền vững thông qua việc tăng cường minh bạch thông tin và chia sẻ những nhận định chuyên sâu về không chỉ doanh nghiệp phát hành mà cả ngành mà họ hoạt động cũng như các yếu tố thị trường và vĩ mô liên quan nhằm phục vụ các các thành viên thị trường bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có cải thiện các quy định và quy chuẩn quản lý hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nội địa. Các quốc gia khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã làm gì để phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm nội địa? Đâu là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo?

Chúng tôi đã chứng kiến lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm nội địa phát triển mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nội địa được hình thành, phát triển là nhờ hành lang pháp lý thuận lợi từ Chính phủ và các cơ quan quản lý. Môi trường pháp lý thuận lợi đảm bảo cho các đơn vị xếp hạng tín nhiệm có năng lực quản trị và trách nhiệm cao. Đây là điều tối quan trọng trong việc phát triển các thị trường xếp hạng tín nhiệm nhất là trong những năm đầu khi văn hóa xếp hạng tín nhiệm chưa hình thành. Dĩ nhiên, khả năng tồn tại lâu dài của tổ chức xếp hạng tín nhiệm phụ thuộc rất nhiều vào tính minh bạch, độc lập và khách quan của họ.

Để hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cần được định hướng bởi các chính sách và quy định pháp luật. Bởi vai trò có tính ủy thác của đơn vị xếp hạng tín nhiệm rất cao. Ở nhiều quốc gia, các cơ quan quản lý áp dụng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với một số trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chính những quy định này đã góp phần thúc đẩy minh bạch thông tin, hỗ trợ các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư có cơ sở. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đã được áp dụng tại Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ và Trung Quốc.

Bên cạnh các quy định về hoạt động phát hành, Chính phủ cũng nên xem xét khuyến khích tổ chức đầu tư như ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, công ty tài chính, v.v. từng bước áp dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm vào hoạt động phân bổ đầu tư, lựa chọn sản phẩm phù hợp với mô hình hoạt động và tiêu chuẩn về quản trị rủi ro phù hợp hướng tới thông lệ tốt trên thế giới. Đó là hai yếu tố tạo tiền đề cho thị trường chấp nhận hoạt động xếp hạng tín nhiệm, cũng như xây dựng văn hoá xếp hạng tín nhiệm lành mạnh.

Khi vượt qua giai đoạn đầu và ngày càng có nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm tham gia, thị trường sẽ có thể xuất hiện một số vấn đề. Lúc đó, các quy định của tổ chức xếp hạng tín nhiệm phải linh động hơn, đáp ứng các điều kiện của thị trường nội địa và phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn như khả năng mất tính độc lập và minh bạch. Việc đảm bảo chất lượng, tính độc lập và chính trực của xếp hạng tín nhiệm thông qua khuôn khổ tuân thủ và quản trị rủi ro bền vững, nên được đưa vào văn hóa của tất cả các đơn vị xếp hạng tín nhiệm.

Hầu hết các đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa thành công trong khu vực đều có điểm chung là họ có xây dựng quan hệ hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Có nhiều hình thức hợp tác hoặc trở thành đối tác khác nhau, trong đó có việc xây dựng quan hệ đối tác chuyên môn như chúng tôi và FiinRatings. Điểm nhấn của việc hợp tác này là trao đổi chuyên môn và chia sẻ các thông lệ tốt nhất để áp dụng vào môi trường và điều kiện sở tại của thị trường nội địa đó.

Một số tổ chức phát hành và nhà đầu tư tại Việt Nam đã có xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế nhưng hiện tại Chính phủ Việt Nam đang xem xét áp dụng xếp hạng tín nhiệm theo chuẩn nội địa với các doanh nghiệp đó. Ông có nghĩ rằng việc cùng lúc áp dụng xếp hạng cả nội địa và quốc tế là không cần thiết? Sự khác biệt giữa hai hệ thống là gì?

Thang điểm xếp hạng quốc tế và nội địa vốn khác nhau và khó so sánh tương đồng. Xếp hạng quốc tế dựa trên các tiêu chí và phương pháp luận được công bố cụ thể nhằm so sánh giữa các quốc gia tương đồng trên thế giới. Trong khi đó, xếp hạng nội địa lại dựa trên bộ tiêu chí khác và mang tính đặc thù và cụ thể của nước đó. Do đó, kết quả xếp hạng nội địa chỉ dùng để so sánh tương đối với các chủ thể nằm trong một thị trường cụ thể như Việt Nam.

Các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế như S&P Global Ratings cung cấp xếp hạng tín nhiệm về tổ chức phát hành và các công cụ nợ của họ. Kết quả xếp hạng cho phép một công ty hoặc một quốc gia phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế và thường phục vụ các nhà đầu tư quốc tế có danh mục bao phủ ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ở nhiều quốc gia, các cơ quan quản lý vẫn yêu cầu xếp hạng nội địa đối với trái phiếu trong nước. Dưới góc nhìn này, xếp hạng tín nhiệm quốc tế và nội địa sẽ không giống nhau bởi mục đích sử dụng kết quả là hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy, các doanh nghiệp mặc dù đã được xếp hạng quốc tế vẫn thường có xếp hạng tín nhiệm nội địa bởi các đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa tại nước sở tại của họ.

Đại diện của S&P Global Ratings và FiinRatings
Đại diện của S&P Global Ratings và FiinRatings

S&P Global Ratings gần đây đã mở rộng quan hệ hợp tác với FiinRatings thông qua việc ký kết thỏa thuận đối tác kỹ thuật. Ông có thể chia sẻ tại sao S&P Global lại chọn FiinRatings?

S&P Global Ratings chúng tôi có lịch sử lâu đời hỗ trợ các thị trường vốn ở Châu Á - Thái Bình Dương vì đã hoạt động trong khu vực từ giữa những năm 1970. Gần đây, chúng tôi đã mở rộng mạng lưới của mình trong khu vực để đẩy mạnh quan hệ đối tác với một loạt các tổ chức xếp hạng nội địa hàng đầu, dựa trên hiểu biết sâu sắc của hai phía về thị trường nội địa cũng như lợi thế của chúng tôi trên thị trường thế giới.

Thông qua các quan hệ đối tác, chúng tôi tập trung cung cấp dịch vụ xếp hạng, đưa ra nhận định dựa trên phân tích chuyên sâu nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước phục vụ cho các quyết định đầu tư và công tác quản trị rủi ro của họ.

Ở Việt Nam, chúng tôi đã chính thức thiết lập mối quan hệ đối tác với FiinRatings. S&P Global Ratings sẽ tiếp tục đào tạo và chuyển giao công nghệ cho FiinRatings không chỉ về chuyên môn mà còn cách thức vận hành để phát triển một đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa thành công.

Thực tế, S&P Global Ratings đã hợp tác lần đầu với FiinGroup từ năm 2020 và tới năm 2021 thông qua hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho FiinRatings. Chúng tôi chọn hợp tác với FiinRatings và nâng tầm của sự hợp tác này vì đây là đơn vị cung cấp thông tin tài chính hàng đầu tại thị trường Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm phân tích độc lập phục vụ thị trường khi họ đã hoạt động từ năm 2008.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate