April 25, 2025 | 14:33 GMT+7

“Đại gia” hàng tiêu dùng Việt tự tin: “Cửa hàng mở mới sẽ có lợi nhuận từ năm thứ nhất”

Nguyễn Hoài -

Sau 5 năm kiên trì vực dậy hệ thống Vinmart từ con số lợi nhuận giảm 19% vào năm 2019 thì đến 2024, Winmart của WinCommerce thuộc Masan đạt lợi nhuận 4,4% so với năm trước...

Hệ thống bán lẻ Winmart lần đầu tiên có lãi sau 5 năm. Ảnh: Phạm Vân
Hệ thống bán lẻ Winmart lần đầu tiên có lãi sau 5 năm. Ảnh: Phạm Vân

Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc WinCommerce (WCM) cho biết tại Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Masan ngày 25/4/2025 tại TP. Hồ Chí Minh.

MẢNG BÁN LẺ NGƯỢC DÒNG SOÁN NGÔI ĐẦU

“Thời điểm 5 năm trước WCM tiếp quản hệ thống Vinmart đã có không ít hoài nghi về việc vực dậy chuỗi bán lẻ này, bởi thời điểm đó, chỉ có 203/trên 3.000 cửa hàng có lãi, lỗi mỗi năm 3.800 tỷ đồng. Đến hôm nay, hệ thống bắt đầu có lãi, từ năm nay, bất cứ cửa hàng nào mở mới sẽ có lãi ngay trong năm đầu”, bà Phương cho biết.

Theo bà Phương, chiến lược phủ sóng mạng bán lẻ thông qua cửa hàng tiện ích từ thành thị đến nông thôn bắt đầu đến ngày hái quả, doanh thu tăng trưởng bình quân 10%/năm, đến 2024 đạt 33 nghìn tỷ đồng, đó là ngưỡng chặn mà ít doanh nghiệp bán lẻ nội địa vượt qua.

 

“Trong 5 năm qua, chúng tôi tìm ra mô hình tài chính hiệu quả, giảm chi phí đầu tư trên mỗi cửa hàng. Giảm được mỗi cm giấy hóa đơn cho khách hàng, cả hệ thống bán lẻ tiết kiệm 10 tỷ đồng mỗi năm. Phải tính toán chi ly vậy thì mới tối ưu hóa được 30% chi phí vận hành trong 5 năm qua. Tối ưu chi phí vận hành không có nghĩa là giảm trải nghiệm, tắt điều hòa và giảm lương. Năm 2024 lương nhân viên vẫn tăng 10-12%”.

(Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc WCM)

 Khi có lợi nhuận, WinCommerce bắt tay tối ưu hóa dòng tiền, hàng tồn kho, nhờ đó mà năm 2024, "mảnh ghép" này có được 1.500 tỷ đồng lợi nhuận sau khi trừ các chi phí đầu tư mở mới và cải tạo hệ thống.

Thoát lỗ, có lãi là điều mong mỏi của Tập đoàn Masan trong suốt 5 năm qua về hệ thống bán lẻ này, nhưng đó chỉ là đích đến thứ nhất.

Khi đặt mục tiêu là nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, Masan buộc phải tự mình xây dựng hệ thống bán lẻ. Trong bối cảnh trào lưu sàn thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, chợ truyền thống còn tồn tại và các ông lớn bán lẻ ngoại quốc vẫn đang lừng lững ở Việt Nam, cánh cửa bán lẻ cho Masan là vô cùng hẹp.

Bởi vậy, cùng với mục tiêu có lãi, tập đoàn này hướng đến mục tiêu tiếp theo vô cùng quan trọng là tự mình xây dựng mô hình bán lẻ phù hợp với năng lực của chính mình và tâm lý người dùng Việt. Đó là, nếu như ở thành phố, trải nghiệm của người dùng là đồ sạch, an toàn, giá cạnh tranh, phương thực thanh toán hiện đại, thì ở nông thôn, vẫn mô hình đó nhưng được kết nối bền chặt với cộng đồng dân cư địa phương và phương châm “giá thấp mỗi ngày”.

GIẢM ĐÒN BẨY TÀI CHÍNH

Theo Báo cáo tài chính của Tập đoàn Masan (MSN) tại Đại hội cổ đông, năm 2024, doanh thu thuần tập đoàn đạt 83.178 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đóng góp vào con số tích cực nói trên phải kể đến mảnh ghép số 1 kinh doanh tiêu dùng bán lẻ (như nêu trên) và nghĩa vụ hợp đồng đã hoàn thành của MHT (Masan High-Tech Materials, Công ty thành viên của Tập đoàn Masan, hiện đang sở hữu mỏ Vonfram đa kim Núi Pháo tại Thái Nguyên). Theo đó, MHT hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại H.C. Starck Holding GmbH cho Mitsubishi Materials Corporation với tổng giá trị 134,5 triệu USD. Thương vụ này mang lại cho doanh nghiệp lợi nhuận một lần gần 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2024.

Chỉ số EBITDA (lợi nhuận kinh doanh cốt lõi, chưa tính đến lãi suất, thuế, khấu hao…) của MSN trong năm 2024 tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 15.921 tỷ đồng, được  thúc đẩy bởi đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trên tất cả các mảng kinh doanh tiêu dùng - bán lẻ. 

 

Lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Post-MI) đạt 1.999 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 377,5% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 200% kế hoạch cơ sở đã được phê duyệt tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.

(Báo cáo tài chính Tập đoàn MSN)

Sự tăng trưởng tích cực và ổn định của tất cả các mảng kinh doanh cốt lõi từ đầu năm 2024 đã củng cố niềm tin của ban lãnh đạo vào quá trình chuyển đổi thành nền tảng tiêu dùng - bán lẻ của tập đoàn.

Về bảng cân đối kế toán hợp nhất, tổng nợ tài chính giảm còn 65.549 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2024, so với 69.572 tỷ đồng vào năm 2023. Công ty tiếp tục duy trì chiến lược phân bổ vốn chặt chẽ, tập trung vào cải thiện dòng tiền tự do (FCF) và huy động vốn thông qua phát hành cổ phần cũng như thoái vốn các tài sản. Kết quả, chỉ số dòng tiền tự do cải thiện đáng kể, lên mức 9.580 tỷ đồng trong năm 2024, tăng mạnh so với 7.454 tỷ đồng của năm 2023.

Ngoài ra, MSN đã đạt những kết quả tích cực trong cam kết giảm đòn bẩy tài chính và tối ưu hóa cơ cấu doanh nghiệp.

Trong quý 2/2024, tập đoàn đã huy động thành công 250 triệu USD từ Bain Capital. Vào ngày 18 tháng 12 năm 2024, MHT công bố hoàn tất thương vụ bán 100% cổ phần tại H.C. Starck Holding GmbH (“HCS”) cho Mitsubishi Materials Corporation với giá trị giao dịch 134,5 triệu USD.

Thỏa thuận này bao gồm hợp đồng bao tiêu dài hạn đối với APT và oxit vonfram giữa MHT và HCS, đảm bảo lợi ích bền vững cho cả hai bên và cung cấp cho MHT nền tảng vững chắc để tối đa hóa khối lượng đơn hàng. Khoản tiền thu được từ thương vụ này giúp MHT giảm nợ từ khoảng 670 triệu USD xuống còn 490 triệu USD.

Kết hợp với dòng tiền tự do từ hoạt động kinh doanh được cải thiện, các sáng kiến này đã giúp MSN giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính, đưa tỷ lệ Nợ ròng trên EBITDA 12 tháng gần nhất (LTM EBITDA) từ 3,9 lần vào cuối năm 2023 xuống còn 2,9 lần vào cuối năm 2024, hiện thực hoá mục tiêu duy trì tỷ lệ này dưới 3,5 lần. 

Sự vượt trội trong lợi nhuận và cải thiện bảng cân đối kế toán là kết quả của chiến lược dài hạn nhất quán và tập trung mạnh mẽ vào thực thi, nhằm tối đa hóa giá trị cho cổ đông.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate