March 12, 2023 | 10:57 GMT+7

Đại học Quốc gia Hà Nội: Lưu ý chỉ tiêu với những ngành cạnh tranh cao

Đỗ Như -

Đại học Quốc gia Hà Nội yêu cầu các Trường Đại học, khoa thành viên phải dành chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực học sinh THPT do Đại học này tổ chức. Trong đó có những ngành xét tuyển tới 50% chỉ tiêu. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đại học Quốc gia Hà Nội (viết tắt là VNU) vừa ban hành Quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 đối với các trường đại học, trường, khoa trực thuộc.

Theo đó, các cơ sở đào tạo của trường xây dựng thông tin tuyển sinh đại học năm 2023 bao gồm các thông tin chính: đối tượng tuyển sinh, phạm vi tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu theo từng phương thức, mã trường, mã ngành, tên ngành, mã phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, môn chính (nếu có), ngưỡng đầu vào, điều kiện ngoại ngữ đầu vào (nếu có), chính sách ưu tiên, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, học phí, học bổng, ghi rõ địa điểm học tập của Nhà trường sau khi thí sinh trúng tuyển nhập học, cơ hội học cùng lúc 2 chương trình đào tạo và các thông tin khác (nếu có).

Các phương thức tuyển sinh của trường năm nay giữ ổn định như năm trước gồm: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và dự bị đại học, người nước ngoài xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Quy định đặc thù và các quy định liên quan của Đại học quốc gia Hà Nội;

Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Đại học Quốc gia Hà Nội quy định; xét kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức đạt tối thiểu 80/150 điểm trở lên.

Thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM đạt tối thiểu 750/1200 điểm trở lên; thí sinh có chứng chỉ A-Level có kết quả 3 môn thi trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc Ngữ văn theo tổ hợp quy định của ngành đào tạo tương ứng đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60).

Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT đạt từ 1100/1600 điểm trở lên.

Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT (American College Testing) đạt từ 22/36 điểm trở lên.

Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS tối thiểu 5.5 điểm hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác (đủ 4 kỹ năng và trong danh mục quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội) và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn) đạt tối thiểu 14 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm tuyển sinh.

Đối với khối ngành sức khỏe (Y khoa, Dược học, Răng – Hàm - Mặt), ngoại ngữ và các ngành đào tạo có cạnh tranh cao ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 6.5 trở lên kết hợp với các môn chuyên môn (điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển phải đạt tối thiểu 16 điểm).

Các tiêu chí khác do đơn vị xây dựng, quy đổi, công bố dựa trên nguyên tắc chung xét từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu công bố và không quá 15% chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành/chương trình đào tạo).

Để đảm bảo chất lượng đầu vào, đối với khối ngành sức khỏe việc xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực phải kết hợp với kết quả học tập môn Sinh, môn Hóa (tùy ngành) ở cấp THPT theo quy định tại Quy chế tuyển sinh hoặc kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT môn Sinh, môn Hóa (tùy ngành).

Với các ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài việc xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực phải kết hợp với kết quả học tập cấp THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ; việc sử dụng thí điểm kết quả thi VSTEP - tiếng Anh kết hợp với kết quả học tập cấp THPT tối thiểu từ loại Khá trở lên. Tỉ lệ chỉ tiêu và phương thức xét tuyển sử dụng kết hợp VSTEP phải được trươngd xem xét, phê duyệt.

Ngoài các phương thức tuyển sinh trên, VNU cũng cho phép một số đơn vị có ngành/chương trình đào tạo, lĩnh vực đặc thù có đối tượng, phương thức tuyển sinh riêng (thi năng khiếu hoặc phỏng vấn kết hợp với kết quả học tập cấp THPT/kết quả thi tốt nghiệp THPT/ kết quả thi đánh giá/chứng chỉ quốc tế) cần xây dựng phương án cụ thể, báo cáo VNU xem xét, phê duyệt.

Bên cạnh đó, VNU yêu cầu việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ hợp lý; không gây mất công bằng cho các thí sinh chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau;

Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý; không làm tỉ lệ phân bổ chỉ tiêu của một phương thức, tổ hợp đã sử dụng trong năm trước giảm quá 30% (trong cơ cấu chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo) trừ trường hợp việc thay đổi, bổ sung đó đã được công bố trước thời điểm mở đăng ký dự tuyển ít nhất 1 năm.

Dành chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lưhc học sinh THPT do trường tổ chức: Tối thiểu 30% chỉ tiêu của toàn đơn vị; đối với các ngành có cạnh tranh cao, điểm trúng tuyển đầu vào hàng năm từ 25 điểm trở lên đơn vị phân bổ từ 35%-50% chỉ tiêu cho những ngành này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate