Năm 2022, thị trường tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng ở Việt Nam xảy ra nhiều biến động do ảnh hưởng bởi tình hình thế giới và cả các vấn đề nội tại.
VẪN KIỂM SOÁT TỐT NỢ XẤU
Tại đại hội, các cổ đông đặt câu hỏi với ban lãnh đạo về các khoản đầu tư trái phiếu của Techcombank hiện ra sao và quản trị rủi ro của ngân hàng đối với tín dụng bất động sản như thế nào...
Trong phần trả lời, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank cho biết, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của ngân hàng cao song phần lớn tập trung ở đối tượng khách hàng cá nhân vay mua nhà. Còn đối với chủ đầu tư, Techcombank tập trung vào những khách hàng tốt, những khách hàng mà ngân hàng hiểu rõ.
“Các dự án mà Techcobank cho vay đều có pháp lý đầy đủ và đang triển khai trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, những dự án này vẫn bán được hàng và có dòng tiền. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank hiện nay thấp, mấy ngày nữa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 và mọi người sẽ thấy", ông Hồ Hùng Anh nói.
Tại đại hội, các cổ đông đặt câu hỏi với ban lãnh đạo về các khoản đầu tư trái phiếu của Techcombank hiện ra sao và quản trị rủi ro của ngân hàng đối với tín dụng bất động sản như thế nào...
Theo ông Hồ Hùng Anh, hiện tại, lĩnh vực nào cũng khó khăn, không chỉ riêng tín dụng bất động sản. Trong 3-4 năm qua, Techcombank cũng đẩy mạnh đa dạng nhiều phân khúc khác nhau, từ ngân hàng bán lẻ và khách hàng SMEs.
Đối với cho vay tiêu dùng, ngân hàng triển khai trên nền tảng số hóa và đã đầu tư rất nhiều vào các nền tảng công nghệ. Đây là cơ sở để ngân hàng đa dạng hóa khách hàng.
Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, chủ tịch ngân hàng này khẳng định: trái phiếu do Techcombank quản lý, đơn vị phát hành đều có tiềm lực tài chính tốt, khả năng trả nợ ổn. Mặc dù lượng trái phiếu Techcombank tư vấn phát hành rất lớn, song chưa có bất kỳ trái phiếu nào quá hạn trả lãi và gốc.
Về hoạt động kinh doanh năm 2022 của ngân hàng, Tổng giám đốc Jens Lottner cho biết các tác động của kinh tế toàn cầu và trong nước đã tác động đáng kể tới hoạt động kinh doanh của Techcombank.
Theo đó, các ngân hàng trung ương đã phải tiến hành tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Khi mặt bằng lãi suất tăng lên, ngành ngân hàng thế giới đã chứng kiến một số cuộc khủng hoảng như khủng hoảng SVB tại Mỹ, Credit Suisse ở Thụy Sĩ. Tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, mặc dù sau đó Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp để kiểm soát, giúp thanh khoản thị trường cải thiện.
Ông Jens Lottner cho biết Techcombank là ngân hàng có hoạt động mạnh ở mảng trái phiếu doanh nghiệp do đó không tránh khỏi những tác động của thị trường khi trái phiếu sụt giảm. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
“Techcombank là ngân hàng có thị phần đối với phân khúc khách hàng giàu có cao hơn các ngân hàng nội địa. Do đó, khi thị trường bất động sản, trái phiếu biến động, khách hàng giàu có, vốn dĩ có nhiều kênh đầu tư, đã chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn vì họ có cảm giác an toàn hơn. Bên cạnh đó, khi tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, khách hàng cũng tìm cách tiếp cận nguồn vốn khác, khiến cho nguồn CASA không còn dồi dào như trước. Bởi vậy, dòng tiền ở Techcombank thực ra là dịch chuyển từ tiền gửi không kỳ hạn sang có kỳ hạn”, Tổng giám đốc Techcombank nói.
Liên quan đến những băn khoăn của cổ đông về việc Moody’s điều chỉnh xếp hạng của Techcombank, ông Jens Lottner nói: “Chúng tôi không thấy bất kỳ vấn đề nào về rủi ro đối với tỷ lệ an toàn vốn của Techcombank”. Vị CEO này cho rằng nguyên nhân chính có thể do Moody’s nhận thấy thị trường bất động sản Việt Nam có dấu hiệu tiêu cực, trong khi Techcombank có tỷ lệ tín dụng bất động sản cao.
CÓ THỂ LÀ NĂM CUỐI TECHCOMBANK KHÔNG CHIA CỔ TỨC BẰNG TIỀN
Các cổ đông tỏ ra sốt ruột khi nhiều ngân hàng đã chia cổ tức tiền mặt nhưng Techcombank vẫn “án binh bất động” sau nhiều năm.
Chủ tịch Techcombank nói: “Tôi nhớ tại đại hội cổ đông năm 2013, tôi đã nói trong 10 năm tới ngân hàng sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay đã là năm thứ 10 và tôi cho rằng đây sẽ là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Mọi việc đều có thể xảy ra nhưng ngân hàng sẽ luôn đảm bảo quyền lợi của cổ đông, đồng thời, cũng phải đảm bảo hoạt động của ngân hàng”.
"Tôi cho rằng đây sẽ là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Mọi việc đều có thể xảy ra nhưng ngân hàng sẽ luôn đảm bảo quyền lợi của cổ đông, đồng thời, cũng phải đảm bảo hoạt động của ngân hàng”.
(Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank nói tại Đại hội cổ đông thường niên 2023).
Liên quan đến các chất vấn của cổ đông về cơ sở đặt mục tiêu kinh doanh cho năm 2023, Tổng Giám đốc Jens Lottner nói rằng, sẽ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 511.200 tỷ đồng, tăng 15%. Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%.
Cũng theo ông Jens Lottner, với tăng trưởng GDP được dự báo từ 6 - 7%, nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chiến lược của Techcombank vẫn không thay đổi, tập trung vào phân khúc bán lẻ và đẩy mạnh số hoá.
Tổng giám đốc Jens Lottner cho biết trong năm ngoái Techcombank đã tập trung nhiều vào bán lẻ và không tập trung nhiều từ mảng doanh nghiệp lớn. Trong thời gian tới, Techcombank sẽ có những dịch chuyển để có thể kiểm soát rủi ro tốt hơn từ bất động sản.
Năm 2023, Techcombank đặt kế hoạch phát hành gần 5,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên hơn 35.225 tỷ đồng.
Cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 sau khi được Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.
Phía ngân hàng cho biết đối tượng tham gia chương trình trên sẽ bao gồm lao động nước ngoài nên sẽ có sự thay đối về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của Techcombank. Vì vậy, ngân hàng sẽ trình cổ đông phê duyệt việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4595% thành 22,4860%. Hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2023.
Ngoài ra, Techocombank cũng tiến hành mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) trong năm 2023.
Theo kế hoạch, TCBS sẽ thực hiện chào bán 105 triệu cổ phiếu cho Techcombank với giá chào bán dự kiến là 95.600 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền thu được theo giá dự kiến là 10.038 tỷ đồng. Sau đợt chào bán, vốn điều lệ của TCBS sẽ tăng thêm 1.050 tỷ đồng lên hơn 2.176 tỷ đồng.
Techcombank hiện đang sở hữu 88,8% vốn điều lệ của TCBS. Sau đợt chào bán trên, tỷ lệ này dự kiến tăng lên 94,2%.