Giới chức Đan Mạch ngày 21/8 bày tỏ tâm trạng sốc và không thể tin được đối với việc Tổng thống Donald Trump hủy thăm nước này, sau khi ý tưởng của ông về mua lại lãnh thổ Greenland của Đan Mạch bị Copenhagen từ chối.
Theo hãng tin Reuters, sau khi ông Trump đề xuất mua Greenland vào tuần trước, các chính trị gia Đan Mạch lúc đầu đã có phản ứng hài hước. Cựu Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nói: "Đây hẳn là một trò đùa ngày Cá tháng Tư".
Sau đó, đương kim Thủ tướng Đan Mạch, bà Mette Frederiksen, tuyên bố: "Greenland không phải để bán", đồng thời gọi việc ông Trump chào mua Greenland là một ý tưởng "kỳ lạ".
Ngày 20/8, ông Trump bất ngờ tuyên bố hủy chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Đan Mạch, vào thời điểm chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến chuyến thăm này.
Sau tuyên bố trên mạng xã hội Twitter của ông Trump, bà Frederiksen cho biết bà "lấy làm tiếc và ngạc nhiên" về quyết định hủy thăm của nhà lãnh đạo Mỹ, xét đến mối quan hệ đồng minh chặt chẽ giữa Copenhagen và Washington. Mặc dù vậy, bà nhắc lại quan điểm của Đan Mạch là không bán Greenland.
Tuy nhiên, bà Thủ tướng nói Mỹ vẫn là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Đan Mạch. "Tôi không cho là việc hủy chuyến thăm này sẽ ảnh hưởng đến bất kỳ quyết định nào mà chúng tôi đưa ra, cho dù đó là về hợp tác thương mại, hay chính sách ngoại giao và an ninh".
Tuyên bố này của bà Frederiksen vấp phải sự chỉ trích mạnh của ông Trump.
"Tôi cho rằng tuyên bố của Thủ tướng Đan Mạch… thật khó chịu. Tôi nghĩ đó không phải là một tuyên bố phù hợp. Tất cả những gì bà ấy cần nói là: ‘Không, chúng tôi không quan tâm’", ông Trump phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng.
"Không phải bà ấy đang nói với tôi, mà đang nói với nước Mỹ. Không thể nói với nước Mỹ theo cách đó được, ít nhất là dưới thời của tôi", ông Trum nói.
Công chúng và các chính trị gia đối lập của Đan Mạch có nhiều phản ứng khác nhau với việc ông Trump hủy thăm nước này, từ phê phán, giận dữ, tới hài hước, nhưng nhìn chung tất cả đều cảm thấy sốc.
"Ông Trump hủy thăm Đan Mạch chỉ vì Đan Mạch không muốn bàn chuyện bán Greenland. Đây là chuyện đùa hay sao? Thực sự là xúc phạm nhân dân Greenland và Đan Mạch", cựu Thủ tướng Helle Thorning Schmidt viết trên Twitter.
"Một cơ hội lớn để tăng cường đối thoại giữa đồng minh với nhau đã trở thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao", cựu Ngoại trưởng Kristian Jensen nhận xét.
"Hành động hủy thăm của ông Trump là rất, rất gây sốc, vì Mỹ và Đan Mạch vốn là đồng minh thân cận và là bạn bè tốt của nhau", chính trị gia Soren Espersen thuộc đảng cực hữu Nhân dân Đan Mạch phát biểu.
Ông Espersen cho rằng hành động của ông Trump đồng nghĩa với "xem thường" Nữ hoàng Margrethe, nguyên thủ của Đan Mạch. Hồi tháng 7 năm nay, Nữ hoàng đã chính thức gửi lời mời ông Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump thăm Đan Mạch.
"Điều này cho thấy tại sao chúng ta nên xem các nước bạn bè trong Liên minh châu Âu là đồng minh thân cận nhất của mình. Ông Trump thật khó lường", thủ lĩnh Đảng Tự do xã hội Đan Mạch Morten Ostergaad nói. "Thực tế đúng là quá sức tưởng tượng".
Ông Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cựu Thủ tướng Đan Mạch, nói rằng việc ông Trump hủy thăm có thể lại là việc tốt. "Những thách thức về an ninh và môi trường ở vùng Bắc Cực quan trọng hơn nhiều so với những câu chuyện vô vọng như bán Greenland", ông Rasmussen viết trên Twitter.